Theo dõi Báo Hànộimới trên

Muôn kiểu giảm giá cuối năm

Loan Vũ| 27/01/2015 07:28

(HNMO) - Càng đến gần Tết, thị trường hàng hóa càng sôi động vì đây là thời điểm mua sắm nhiều nhất trong năm của người dân. Nhiều cửa hàng, siêu thị rầm rộ dán bảng: “xả hàng tồn kho cuối năm”, “giảm giá cực sốc”, “giám giá 50%”, thậm chí có nơi lên đến 70 – 80% nhằm lôi kéo khách hàng


Mùa giảm giá tràn lan

Cứ vào dịp cuối năm thì hầu hết tất cả các cửa hàng, siêu thị điện máy hay ngay cả trong những hội chợ mua sắm đều ồ ạt xả hàng, giảm giá nhằm lôi kéo khách hàng giải quyết số lượng lớn hàng tồn kho.

Biển treo xả hàng với nội dung cực kì hấp dẫn khách hàng.


So với mọi năm, mức giảm giá cuối năm nay nhiều hơn hẳn khi mà các chuỗi cửa hàng lớn bắt đầu mang đồ ra trước cửa đổ đống, bán đồng giá cho khách hàng. Nhiều chủ cửa hàng lớn cho biết do lượng hàng ứ đọng trong năm nhiều nên tranh thủ mùa cuối năm tung ra bán tháo với giá giảm từ một nửa đến 2/3 giá trị trên giá niêm yết. Không chỉ các cửa hàng bán đồ thường đua nhau giảm giá mà các cửa hàng nhập đồ hiệu cũng bắt đầu tung ra nhiều chiêu khuyến mãi khủng.

Tết Ất Mùi đang đến gần thì “trào lưu” giảm giá lại bùng nổ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tất cả đều đang tận dụng cơ hội này để ra sức xả hàng kiếm chút lời lãi. Những mặt hàng cũ, lỗi mốt, tồn kho đều được bán với mức giá có vẻ hấp dẫn, thu hút được lượng đông khách hàng ghé vào xem. Các cửa hàng san sát nhau đều treo tấm biển “xả hàng cuối năm” với những con số khác nhau mong muốn sao cho thu hút càng nhiều khách thì càng tốt.

Theo quan sát của phóng viên thì dạo qua các tuyến phố chuyên bán đồ thời trang như Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Cầu Giấy, Nguyễn Trãi... không khỏi choáng ngợp khi nhiều cửa hàng trưng đủ loại biển, băng rôn hấp dẫn với nội dung khác nhau như: “Xả hàng cuối năm”, “Xả hàng Tết giá sốc”, “Giảm giá 70%” thậm chí là “Mua 1 tặng 1”.

Cả dãy phố dọc đường Cầu Giấy các biển giảm giá khủng treo san sát nhau.


Theo anh Vũ Tùng là nhân viên bán hàng trên phố Chùa Bộc cho biết: “Dịp cuối năm là dịp mà cửa hàng mình bán chạy nhất vì có chương trình giảm giá, xả hàng. Các cửa hàng xung quanh họ đều treo biển cả vì vậy nên ông chủ cửa hàng mình cũng làm theo và thu được lượng khách khá lớn trong thời gian này. Họ vào xem ưng thì mua mặc dù giá có cao một chút, hay những mặt hàng dù không phải là mốt của năm nay nhưng giá thấp phù hợp với túi tiền thì đó cũng là sự lựa chọn của khách hàng”.

Không chỉ có các cửa hàng quần áo mà ngay trong các siêu thị điện máy, điện thoại cũng ồ ạt giảm giá trước tết. Cùng một sản phẩm nhưng giá bán hiện mỗi nơi một khác, do đây đang là thời điểm các đại lý đua nhau chạy doanh số bằng những chiêu khuyến mại, giảm giá mạnh trước Tết. Theo ghi nhận của phóng viên thì hệ thống bán lẻ Thế giới di động vừa cho giảm giá 10% một loạt các sản phẩm tầm trung của họ trong vòng 10 ngày (21-31/1), như Sony Xperia Z1 (từ 11 triệu xuống còn gần 10 triệu), Nokia Lumia 1520 (còn 7,64 triệu)…Như vây, đây cũng là thời điểm giảm giá mạnh để xả hàng trước tết của các hàng điện tử mong tăng doanh số bán hàng hơn.

Cẩn thận khi mua hàng giảm giá

Chị Hải Yến là nhân viên văn phòng chia sẻ: “Thấy hàng giảm giá mình cũng ghé vào xem và thích một chiếc áo khoác nên mua vì thấy nó đẹp mà giá cũng phải chăng do cửa hàng ghi giảm giá đến 50%. Khi về đến cơ quan khoe đồng nghiệp thì mới ngỡ ra rằng người ta mua giá gốc còn rẻ hơn nhiều so với giá mình mua tại cửa hàng. Lúc đó mới biết mình bị lừa bởi chiêu trò giảm giá ảo”.

Việc hạ giá để hút khách đánh vào nhu cầu thích mua hàng rẻ của khách đã có ở Hà Nội từ vài năm nay. Nhiều cửa hàng thông báo giảm giá từ 50-70%, nhưng thực chất là chủ hàng đã tăng giá lên trước đó, sau đó thông báo giảm ở mức khủng này chỉ là chiêu gây “câu khách”. Thực chất, dù giảm sâu, nhưng giá bán chỉ bằng mức giá thành.

Khi vào nhìn các mặt hàng được bày bán và có dán nhãn “giảm giá sốc”, “xả hàng cuối năm” hay “bán giá gốc”… thì người tiêu dùng có thể dễ dàng quan sát thấy chúng thường là các mẫu hàng cũ, ít người ưa chuộng. Kế đến là so với những sản phẩm có giá ngang bằng thì lại kém về mặt công nghệ. Thế nên, người tiêu dùng phải tỉnh táo trước khi quyết định có nên mang sản phẩm kiểu này về nhà hay không. Do vậy, để tránh mua phải những loại hàng hóa như vậy thì trước hết người tiêu dùng phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin của sản phẩm: Xuất xứ, nhà sản xuất, giá, các thông số kèm theo… và có sự so sánh, đối chiếu để mua được sản phẩm phù hợp, chất lượng.

Muôn kiểu giảm giá, xả hàng cuối năm cần phải được thực hiện phù hợp và đúng quy định để người tiêu dùng có thể tin tưởng và lựa chọn được những mặt hàng yêu thích phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Muôn kiểu giảm giá cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.