Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Công thương: Nếu giá điện không tăng, EVN sẽ phá sản!

Theo Bích Diệp| 27/01/2015 20:18

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, với tình trạng nợ nần như hiện nay của EVN mà giá điện bán lẻ vẫn dưới mức giá thành thì ngành điện sẽ không thể chịu đựng được lâu dài, thậm chí EVN sẽ phá sản.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - người phát ngôn của Bộ Công thương



Trao đổi với báo chí bên lề cuộc gặp mặt chiều 26/1, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện Ban điều hành kinh tế vĩ mô đã đưa ra 3 phương án tăng giá điện nhưng việc quyết định như thế nào vẫn cần tính toán thêm. Theo đó, phương án điều chỉnh cần phải căn cứ vào sức chịu đựng của nền kinh tế (doanh nghiệp và người dân).

“Nếu cứ tiếp tục với mức giá như thế này, thậm chí EVN có thể bị phá sản. Cứ nợ như thế mà bán dưới giá thành, đến một lúc nào đó sẽ không thể chịu được” – người phát ngôn Bộ Công thương lo ngại.

Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn này còn “treo” hơn 8.800 tỷ đồng lỗ tỉ giá. Trong khi đó, Thủ tướng yêu cầu, đến năm 2015, EVN về cơ bản phải cân bằng được tài chính.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, không ai nói tăng giá điện chỉ để bù lỗ trong khi giá điện hiện vẫn đang được bán dưới giá thành, nên không thể nói chuyện “bù đắp”, kể cả có bù đắp thì đây cũng không phải là mục đích mà việc tăng giá điện là theo chủ trương của Chính phủ về thị trường hóa ngành điện. Tương tự ngành xăng dầu, điều quan trọng là không “bóp méo” ngành điện.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là với mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam (hiện vẫn ở ngưỡng trung bình thấp) – còn một khoảng cách rất xa với những nước phát triển trên thế giới, thì mong muốn tăng giá điện lên cao có hợp lý?

Ông Hải lật lại vấn đề “Vậy tại sao bình quân thu nhấp thấp mà sử dụng lại lớn? Nếu ít tiền thì phải dùng điện ít đi chứ, tại sao lại dùng nhiều như vậy?” Theo ông Hải, bản thân chính sách của Chính phủ đã có hỗ trợ 30 kWh cho người nghèo. “Nghèo nghĩa là người ta chỉ dùng 2-3 cái bóng điện, cùng nữa là thêm cái TV chứ dùng máy giặt, điều hòa, tủ lạnh… thì không thể gọi là nghèo được” – Thứ trưởng Bộ Công thương cắt nghĩa. “Tăng một chút lại kêu thì ngành điện không bao giờ phát triển được, còn doanh nghiệp cứ phải bán điện đưới giá thành thì không thể đảm bảo lâu dài”.

Do vậy, theo đại điện Bộ Công thương, khi giá điện tiến tới thị trường thì người dân cần có phương án sử dụng điện tiết kiệm, biết “liệu cơm gắp mắm” trong tiêu dùng mặt hàng này.

Ông Hải cho biết, các tổ chức quốc tế đều đồng ý và kêu gọi Việt Nam nâng giá điện, “trong 3 năm cần tăng 40%”. Cần phải đưa giá điện tiến tới thị trường nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư, tăng sức cạnh tranh cho ngành. “Cứ giá điện dưới giá thành thì không thể chấp nhận. Nếu thế này mãi thì sẽ chỉ lỗ mãi 1 doanh nghiệp mà thôi. Mà bù mãi thì thì lấy tiền đâu?” – Thứ trưởng nói.

Trong lúc giá điện thấp, nhu cầu người dân về sử dụng điện cao, EVN phải nhập thêm điện từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Cuối cùng nhà nước phải bù lỗ cho điện, “mà nếu không cẩn thận thì thành ra lại hỗ trợ cho chính nước ngoài” – Thứ trưởng Hải phân tích.

So sánh giá điện Việt Nam với các nước



Hồi đầu tháng trước, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) công bố Sách trắng về kinh tế Việt Nam, trong đó đánh giá: Là quốc giá có nhiều tiềm năng nhất trong khu vực để phát triển điện gió, Việt Nam được nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm với nhiều dự án đã được đăng ký. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này đang gặp trở ngại do giá mua điện thường ở mức 7,8 xu Mỹ/kWh hiện nay không đủ để thu hồi chi phí đầu tư. Do vậy, hầu hết các nhà phát triển điện gió không thể đảm bảo tài chính do biểu giá điện hiện nay không phù hợp.

Theo quan điểm của EuroCham, cần áp dụng giá mua điện tối thiểu ở mức 11,5 xu Mỹ/kWh (tức phải tăng giá điện lên gấp rưỡi) để có thể thực hiện được mục tiêu sản xuất 1.000 MW điện gió vào năm 2020 như đã đề ra trong Tổng sơ đồ Điện VII.

Diễn biến giá điện bán lẻ tại Việt Nam (nguồn EuroCham)


EuroCham cũng chỉ ra rằng, giá bán điện thấp và bị điều tiết hiện tại được cho là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong vấn đề tài chính của EVN và sự mất cân bằng toàn bộ ngành điện cũng như mất khả năng cấp vốn cho các hạng mục đầu tư trên thị trường điện.

Thừa nhận việc nâng giá điện là “vấn đề nhạy cảm và cận được điều tiết thận trọng”, song EuroCham cũng cho rằng, phải mất 8 năm và 10 lần điều chỉnh giá, giá điện bình quân mới tăng gấp đôi lên 1.509 đồng/kWh và thậm chí cả trong trường hợp này, mức giá này vẫn thấp hơn chi phí phát điện bình quân cho dù giá than vẫn được trợ cấp, nên giá điện cần tăng cao hơn nữa.

Đồng thời, liên quan đến tính minh bạch của ngành điện ở Việt Nam, EuroCham cảnh báo, điều đáng ngại hiện nay là khoản lỗ khổng lồ của EVN có thể gây ra những sự kiện tương tự như tại Ấn Độ, trong đó một loạt các vấn đề như giá điện điều tiết áp dụng cho người sử dụng cuối cùng thấp, thiếu khả năng thu hồi chi phí, thiếu nguyên lý thị trường và hoạt động không hiệu quả (hệ thu hồi nợ thấp, tổn thất kỹ thuật cao, thiếu minh bạch trong ký kết hợp đồng bán buôn) đã khiến ngành phân phối điện quốc doanh lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công thương: Nếu giá điện không tăng, EVN sẽ phá sản!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.