Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sốc - Cước vận tải tăng

Hà Phạm| 28/01/2015 07:16

(HNM) - Có tổng số 119 trên 344 doanh nghiệp vận tải hành khách (DNVT) tại 2 bến xe (BX) lớn nhất TP Hồ Chí Minh vẫn nói


Nghịch lý khó chấp nhận

Đến nay, tại Bến xe miền Đông (BXMĐ - quận Bình Thạnh), có đến 99 DN vẫn nói "không" với giảm giá cước, điều này khiến nhiều hành khách (HK) mua vé về quê dịp Tết Ất Mùi rất bất bình. Thậm chí, theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc BXMĐ, có 5 DN (Cúc Tư, Bình Phương, Hạnh Thọ, Công ty TNHH VT Hồng Sơn) chạy tuyến Phú Yên - TP Hồ Chí Minh, tăng giá cước bất thường. Theo đó, các DN này tăng từ 250.000 đồng/lượt/vé lên 280.000 đồng/lượt/vé. Tương tự, tuyến TP Hồ Chí Minh đi TP Hải Phòng của Công ty TNHH VT Hoàng Long cũng tăng so với giá thực tế niêm yết. Cụ thể, giữa năm 2014, giá vé từ TP Hồ Chí Minh đi TP Hải Phòng và ngược lại là 980.000 đồng/lượt/vé. Thế nhưng, sau đó, công ty này điều chỉnh tăng lên hơn 1 triệu đồng/lượt/vé. Đến thời điểm này, ngoài việc giữ nguyên giá vé thì DN này còn áp mức phụ thu dao động từ 20% đến 60% để bán vé cho HK.

Giá xăng giảm sâu, các doanh nghiệp vận tải tại TP Hồ Chí Minh không những không giảm mà còn tăng giá cước.



Cũng theo ông Hải, một số hãng xe đò còn có dấu hiệu mang vé ra ngoài bán với mức giá cao hơn quy định. Cụ thể, tại đại lý trên đường Lê Thúc Hoạch (quận Tân Phú), Công ty TNHH thương mại VT Minh Phương bán vé cho HK đi tuyến TP Hồ Chí Minh đến huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế), với giá cao hơn thực tế 2,5 lần và cao hơn giá vé đã phụ thu 40%.

Đến nay, hàng trăm DNVT vẫn "án binh bất động" dù giá xăng dầu giảm sâu. Theo thống kê của Bến xe miền Tây (BXMT), hiện có 110/130 DN hoạt động tại BX đã giảm giá. Còn tại BXMĐ, có 115 trong tổng số 214 DN giảm giá vé. Theo ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2014, sau 12 lần giảm giá xăng dầu, chỉ có 42/55 DNVT tuyến cố định giảm giá cước. Khi giá xăng giảm tiếp tục sâu (ngày 21-1 vừa qua), cũng chỉ có 32 DNVT/55 DN trên giảm giá cước lần hai.

Vì sao chậm giảm cước phí?

Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Nguyễn Quốc Chiến cho biết, đối với 119 DN chưa chịu giảm giá cước, chỉ có 55 DN có trụ sở chính đang hoạt động tại TP Hồ Chí Minh; số còn lại đều đăng ký hoạt động tại các tỉnh, thành phố khác nên TP Hồ Chí Minh không thể quản lý trực tiếp. Cũng theo ông Chiến, đối với các DNVT tại TP Hồ Chí Minh, Sở Tài chính đã có văn bản yêu cầu các DNVT kê khai lại giá cước trước ngày 31-1, cụ thể DNVT taxi cần giảm thêm 500 đến 1.000 đồng/km; đối với DNVT tuyến cố định, những DN chưa giảm phải giảm khoảng 10% đến 15%. Còn các hãng xe đò muốn phụ thu 20% đến 60% dịp Tết này, Sở Tài chính yêu cầu giảm giá cước rồi mới cho phụ thu. "Một nguyên nhân cơ bản là từ trước tới nay, trong mọi quy định hay thông tư hướng dẫn, chúng ta luôn đinh ninh tăng chứ không giảm nên khi giá tăng đều có kịch bản phù hợp với tình hình thực tế còn khi giá giảm thì vướng mắc… Sắp tới, Sở Tài chính sẽ kiến nghị điều này bởi hiện chúng tôi đang lúng túng và không xử lý được.

Cũng theo ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý VT (Sở GTVT thành phố), 5 DN tăng giá vé tại BXMĐ đã có văn bản giải thích với Sở là do phí nhân công, phí cầu đường tăng… (trong cấu thành giá vé) nên xin tăng giá vé. Thế nhưng, ngay sau khi phát hiện vụ việc bất thường này, Sở GTVT đã gửi văn bản cho cơ quan chức năng liên quan tỉnh Phú Yên và TP Hải Phòng, đề nghị DN phải có ngay hình thức giảm giá vé. Còn theo ông Thượng Thanh Hải, đối với các DN chưa kê khai giá mới, BX đã có báo cáo cụ thể lên cơ quan chức năng thành phố để có hướng xử lý. Bên cạnh đó, các DN chưa giảm còn giải thích từ trước tới nay, giá xăng dầu tăng hay giảm thì DN vẫn giữ nguyên giá vé. Tại BXMT, đối với 20 DN chưa giảm giá cũng đưa ra lý do tương tự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sốc - Cước vận tải tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.