Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần công khai, minh bạch và lộ trình rõ ràng

Tuấn Khải| 27/02/2015 06:49

(HNM) - Việc tập trung tái cơ cấu, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng đường sắt được Bộ GTVT xác định là yêu cầu cấp thiết nhằm đưa ngành này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Theo yêu cầu của Bộ GTVT, ngoài việc công khai, minh bạch các hạng mục để kêu gọi XHH, các cơ quan liên quan cần khẩn trương rà soát lại văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi cho phù hợp.

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng đường sắt đang rất cần được xã hội hóa. Ảnh: Thanh Hải


Xã hội hóa đầu tư là yêu cầu cấp thiết

Những năm qua, ngành đường sắt dù đóng vai trò là phương tiện chủ lực của ngành vận tải, tuy nhiên lại đang bị lép vế trước sự phát triển chung của toàn ngành. Theo ông Vũ Tá Tùng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), thị phần vận tải đường sắt trong những năm gần đây liên tục giảm và hiện tại chỉ chiếm dưới 1% thị phần vận tải cả nước.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt hậu của ngành đường sắt hiện nay chính là hạ tầng cơ sở của ngành đã quá cũ và lạc hậu, giá vé và giá cước vận chuyển hàng hóa thiếu cạnh tranh, thời gian di chuyển chậm, chất lượng dịch vụ kém. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng nhận định, cả một thời gian dài ngành đường sắt đã phát triển chậm hơn so với sự đổi mới đất nước. Do đó, việc phát triển và đổi mới đường sắt là yêu cầu cấp thiết. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp hiện nay, việc đầu tư cho đường sắt đang rất khó khăn, cần kêu gọi các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển. Tuy nhiên để làm được điều này, các cơ quan liên quan cần công khai, minh bạch các hạng mục đường sắt trong việc kêu gọi XHH để thu hút đầu tư, từ các nhà ga, đoàn tàu, các tuyến đường ưu tiên như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Cái Lân... Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cần xây dựng lộ trình hiện đại hóa đường sắt hiện có một cách rõ ràng. Tổng Công ty VNR phải tích cực đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa triệt để các công ty vận tải và hạ tầng; đổi mới tư duy quản trị doanh nghiệp theo hướng thị trường, không lệ thuộc Nhà nước. Trong năm 2015 cố gắng có ít nhất một tuyến đường sắt XHH.

Nhiều nhà đầu tư đang quan tâm

Thời gian qua, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty VNR đã tích cực làm việc với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về một số dự án dự kiến kêu gọi XHH đầu tư. Tại các buổi làm việc, Công ty liên doanh Vận tải Logistics đường sắt đang rất quan tâm đến dự án đầu tư cải tạo bãi hàng container ga Yên Viên và muốn thuê trong 20 năm để thực hiện dự án xây dựng trung tâm đường sắt logistics. Mới đây nhất, Tập đoàn Phát triển công cộng Ý - Thái (ITD), tập đoàn xây dựng lớn nhất tại Thái Lan và khu vực Đông Nam Á, đang khai thác gần như toàn bộ hệ thống đường sắt của Thái Lan đã bày tỏ sự quan tâm đến việc chuyển nhượng, khai thác tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và Hạ Long - Móng Cái. Ngoài ra còn một số nhà đầu tư quan tâm khai thác theo hình thức nhượng quyền khai thác tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát; khôi phục tuyến Đà Lạt - Tháp Chàm...

Ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR cho biết, VNR đã sắp xếp thứ tự ưu tiên phương án kêu gọi XHH đầu tư các dự án. Trong đó, VNR ưu tiên kêu gọi XHH xây dựng các tuyến đường sắt mới ra khu công nghiệp và cảng biển. Tiếp đến là thí điểm nhượng quyền khai thác một số tuyến. Chủ trương của Bộ GTVT là đúng đắn và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan trực thuộc Bộ cũng đã rất chủ động. Tuy nhiên, tất cả vẫn đang ở bước khởi đầu và còn nhiều rào cản cần phải vượt qua, đặc biệt là vấn đề cơ chế, chính sách. Luật Đường sắt hiện nay mới quy định việc bán khoán và cho thuê một số tài sản đường sắt, chứ chưa quy định chuyển nhượng. Do đó, cần sớm bổ sung việc chuyển nhượng khai thác vào chương trình sửa đổi Luật Đường sắt sắp tới và bổ sung, sửa đổi Quyết định 84 của Chính phủ, Thông tư 21 của Bộ Tài chính về mức thu phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng... Bên cạnh đó cần có cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư về thuế, chính sách miễn giảm thuế đất và miễn phí khi chuyển nhượng quyền khai thác, kinh doanh đối với công trình nhà đầu tư bỏ vốn.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, đây là thời điểm đổi mới mạnh mẽ để đường sắt tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có như vận chuyển được khối lượng lớn, giá cước thấp, phục vụ được đa số người dân. Để đẩy mạnh được XHH đầu tư vào đường sắt, Bộ đã yêu cầu Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với các bên liên quan rà soát lại văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi phù hợp, trước mắt là Luật Đường sắt và các thể chế chính sách; đồng thời công bố danh mục dự án để gọi đầu tư theo hướng rõ ràng, minh bạch, công khai…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần công khai, minh bạch và lộ trình rõ ràng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.