Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường xuất khẩu lao động: Cánh cửa vẫn rộng mở

Bài, ảnh: Kim Vũ| 03/03/2015 07:28

(HNM) - Theo đánh giá của các chuyên gia về thị trường lao động, năm 2015 là năm có nhiều triển vọng cho xuất khẩu lao động (XKLĐ). Người lao động (NLĐ) Việt Nam sẽ có thêm cơ hội về việc làm, thu nhập ổn định tại những thị trường tiềm năng.



Người lao động Việt Nam tham gia làm hộ lý tại Nhật Bản.


Theo đánh giá của các chuyên gia lao động (LĐ), đến nay Đài Loan vẫn là thị trường trọng điểm của XKLĐ. Ở đây, NLĐ có nhiều lựa chọn với mức lương cơ bản khoảng 10-12 triệu đồng/tháng và được bảo đảm quyền lợi pháp lý của mình. Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc đã có những cố gắng trong việc tìm kiếm các đơn hàng tốt nhất để bảo đảm giữ vững thị trường và ổn định tâm lý cho NLĐ. Vì vậy, nhu cầu về LĐ Việt Nam những năm tới sẽ vẫn ổn định và tăng cao. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp tuyển chọn, chuẩn bị nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường, tiếp tục thực hiện lộ trình giảm chi phí cho NLĐ.

Thị trường Ảrập Xêút cũng luôn được doanh nghiệp và NLĐ quan tâm bởi mức thu nhập ổn định từ 400 đến 600 USD/ người/tháng (tương đương từ 8 đến 12 triệu đồng), được miễn phí chỗ ở, 3 bữa ăn/ngày, được mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động… Ngành nghề chủ yếu là xây dựng, vận tải, dịch vụ khách sạn, tranh sơn dầu, giúp việc gia đình. Hiện tại có hơn 16.000 LĐ Việt Nam đang làm việc tại nước này. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ký với Ảrập Xêút thỏa thuận về tuyển dụng LĐ Việt Nam sang làm giúp việc gia đình, do đó NLĐ được bảo vệ tốt hơn về quyền lợi.

Ngoài những thị trường trọng điểm luôn có nhu cầu lớn về LĐ, theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2015 Việt Nam sẽ tập trung khai thác những thị trường chất lượng cao, trong đó Nhật Bản được đánh giá là giàu tiều năng và có sức hút lớn. NLĐ được lựa chọn sang Nhật Bản sẽ phải trải qua những đợt sát hạch khắt khe, cùng yêu cầu về bằng cấp, trình độ tay nghề nhưng bù lại sẽ được tạo điều kiện làm việc tốt nhất có thể với mức lương cao. Năm 2012, Nhật Bản đã tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang làm việc trong ngành xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may… Đây là thị trường màu mỡ, NLĐ không chỉ giàu có về kiến thức mà còn giàu về thu nhập, với mức lương thấp nhất là 12 triệu đồng/tháng, cao nhất có thể lên đến 45 triệu đồng/tháng với những công việc như điều dưỡng viên, hộ lý… Ngoài ra, Nhật Bản luôn dành ưu tiên cho lao động nữ hoặc tuyển cả hai vợ chồng trẻ đi làm cùng lĩnh vực. Theo dự kiến, trong giai đoạn 2015-2020, Nhật Bản cần 20.000 LĐVN trong lĩnh vực xây dựng để chuẩn bị các công trình thể thao phục vụ Olympic 2020, hiện nay trung bình, mỗi tháng có 1.700-1.900 LĐVN sang Nhật Bản làm việc. Hơn nữa, về lâu dài, do dân số Nhật Bản ngày càng già hóa nên nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài khá cao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia lao động, ngoài thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là một trong những thị trường có chất lượng, do đó trong năm nay Việt Nam phải có nhiều giải pháp để lấy lại thị trường Hàn Quốc. Cũng bởi trong thời gian trở lại đây, số lượng LĐVN cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tăng cao khiến nước bạn hạn chế tuyển dụng LĐ Việt Nam và nguy cơ đóng cửa thị trường là điều dễ xảy ra. Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc cũng đã cảnh báo, nếu hết năm 2014 tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp không giảm xuống dưới 30% thì rất có thể Việt Nam sẽ mất hoàn toàn thị trường Hàn Quốc. Ngoài thị trường có chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt cho NLĐ, ưu tiên lao động qua đào tạo, có trình độ; chú trọng công tác đào tạo nguồn lao động trình độ cao.

Theo ông Tống Hải Nam, trong năm 2014, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thẩm định và cho phép một số doanh nghiệp triển khai các hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở một số nước Châu Âu với tổng số đăng ký là 1.956 lao động. Như vậy, chúng ta có thể hy vọng cánh cửa đi làm việc tại Châu Âu cho LĐ Việt Nam sẽ rộng mở hơn trong năm 2015.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường xuất khẩu lao động: Cánh cửa vẫn rộng mở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.