Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phó tổng giám đốc Vietcombank làm Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng

Theo Lệ Chi| 05/03/2015 10:03

Ông Nguyễn Văn Tuân giữ cương vị Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng khi đơn vị này chuyển đổi sang mô hình trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Thông tin về lãnh đạo mới của VNCB được đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Ngân hàng Nhà nước) thông báo tại buổi công bố quyết định chuyển đổi mô hình của đơn vị này thành Ngân hàng TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam, đang diễn ra tại TP HCM.

Theo đó, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Nguyễn Văn Tuân sẽ giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng. Trong khi đó, ông Đàm Minh Đức tiếp tục đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc.

Trước đó, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đã công bố quyết định chuyển đổi hoạt động của Ngân hàng Xây dựng sang mô hình ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước làm chủ sở hữu. Vietcombank sẽ tham gia quản trị ngân hàng này. Buổi lễ công bố cũng có sự hiện diện của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh.

Ngân hàng Xây dựng Việt Nam tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) có 23 năm hoạt động. Khi tái cấu trúc và đổi tên, tháng 5/2013, Trust Bank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ

Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, với tôn chỉ hoạt động là ngân hàng đa năng đầu tiên tập trung ưu tiên phục vụ lĩnh vực xây dựng.

Tháng 7/2014, hai lãnh đạo cao nhất của VNCB là nguyên Chủ tịch Phạm Công Danh và nguyên Tổng giám đốc Phan Thành Mai đã bị bắt. Sau sự cố này, Vietcombank ký kết hợp tác chiến lược để hỗ trợ VNCB về thanh khoản, phát triển hợp tác trong các lĩnh vực nguồn vốn, kinh doanh tiền tệ, tín dụng, tài trợ thương mại, quản trị, trao đổi và cung cấp thông tin... Ngân hàng cũng bầu bổ sung lãnh đạo mới, bà Vũ Bạch Yến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Đàm Minh Đức làm Tổng giám đốc.

Tuy nhiên, tại đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 31/1/2015 của VNCB đã không thông qua được phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định nên Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của nhà băng này với giá 0 đồng.

Sau thương vụ, Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu. Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) thay Ngân hàng Nhà nước tham gia quản trị, điều hành VNCB.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó tổng giám đốc Vietcombank làm Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.