Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cái giá của buông lỏng quản lý

Hà Phạm| 06/03/2015 06:57

(HNM) - Báo Hànộimới đã có bài phản ánh doanh nghiệp vận tải (DNVT) đưa rước học sinh, sinh viên (HS-SV) tại trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cùng Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) và nhà trường

Sau thanh tra lần 1, do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, mới đây cơ quan chức năng phải thanh tra lần 2 để nhìn rõ hơn sự sơ hở và buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.

Hoạt động trợ giá xe buýt muốn có hiệu quả cần phải kiện toàn lại bộ máy tổ chức.



Theo Thanh tra Sở GTVT, hầu hết hồ sơ thanh, quyết toán tiền trợ giá đưa rước HS-SV của 15 DNVT đều phản ánh chưa đúng sản lượng so với thực tế đưa rước hằng ngày. Đáng nói, có DN còn lợi dụng kẽ hở trong công tác nghiệm thu, thanh toán để chiếm đoạt tiền trợ giá của ngân sách. Cụ thể, liên danh Công ty TNHH MTV Sản xuất, thương mại và dịch vụ Châu Cường - HTX Thương mại vận chuyển Phương Lâm, có dấu hiệu làm giả hồ sơ thanh quyết toán tiền trợ giá nhà nước cho dịch vụ xe đưa rước HS tại Trường THCS Độc Lập (quận Phú Nhuận) để chiếm đoạt tiền trợ giá của một hợp đồng lên tới hơn 76 triệu đồng.

Trao đổi về nguyên nhân dẫn tới hàng loạt sai phạm trên, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Chung cho biết, trước hết, đối với các trường đã không quan tâm kiểm tra, kiểm soát số lượng HS của trường đi xe đưa rước hằng ngày; không lập hồ sơ, sổ sách riêng để theo dõi số lượng, số lượt HS đi xe đưa rước nên không có cơ sở đối chiếu, kiểm tra, nghiệm thu hằng tháng với DNVT, dẫn đến hầu hết sản lượng lập trong hồ sơ thanh toán chưa chính xác so với thực tế. Còn đối với DNVT đã lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác đối chiếu, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm để lập hồ sơ quyết toán không chính xác với sản lượng thực tế. "Riêng Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC thiếu trách nhiệm không tổ chức giám sát, kiểm tra, xác minh lại số lượng HS thực tế đăng ký tham gia đưa rước mà chỉ căn cứ vào hồ sơ thanh toán của các DNVT lập có ký xác nhận của trường, dẫn đến hầu hết sản lượng thực hiện được thanh toán không chính xác, tạo kẽ hở cho DNVT làm giả hồ sơ thanh quyết toán", ông Nguyễn Thành Chung nói.

Đứng về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với sai phạm trên, trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước trước hết đơn vị chủ quản là Sở GTVT và cần rút ra bài học sâu sắc, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cá nhân, tổ chức liên quan. Kế đến là Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC đã thiếu trách nhiệm, quản lý không tốt, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, cũng cần phải được xử lý minh bạch, công khai và dứt điểm. "Theo Bộ luật Hình sự, người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, vì thiếu trách nhiệm để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản của Nhà nước từ 1 năm đến 5 năm", luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

Còn Tiến sĩ Phạm Sanh, nguyên giảng viên ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh khẳng định, chừng nào vẫn còn trợ giá xe buýt theo kiểu bao cấp thì sự sơ hở, buông lỏng quản lý về mặt nhà nước cũng như các vấn nạn tiêu cực, ăn chia, bòn rút tiền trợ giá vẫn còn diễn ra. Hoạt động trợ giá xe buýt muốn tốt cần phải thay người, củng cố, kiện toàn lại bộ máy tổ chức, chứ không thể để theo kiểu "Bình cũ rượu mới" được. Đồng thời, cần thực hiện theo Luật Đấu thầu thay vì độc quyền như hiện nay. Từ đó mới thể hiện được sự cạnh tranh công bằng giữa các DNVT được chọn. Nếu không sớm thay đổi tư duy, nhận thức và cách làm, hình ảnh xe buýt sẽ ngày càng rệu rã và xa hơn sẽ làm "phá sản" chương trình phát triển VTHKCC của TP Hồ Chí Minh.

Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, trong đợt thanh tra lần 2 mới đây của Đoàn thanh tra về công tác thanh, quyết toán trợ giá xe buýt đưa rước HS-SV tại các trường học trên địa bàn thành phố, sản lượng HS-SV đi lại bằng xe buýt được nghiệm thu hầu hết đều không chính xác. Cụ thể, qua xác minh tại 144 trường (chiếm tỷ lệ 61% tổng số trường trên địa bàn thành phố) có đến 128 trường hồ sơ xác định sản lượng chưa chính xác so với thực tế hằng ngày. Đơn cử, chữ ký của HS trong danh sách đóng tiền đi xe đưa rước hằng tháng đều cùng một nét chữ, màu mực và khác nhau qua từng tháng; HS được chấm công đi xe đưa rước đầy đủ tất cả các ngày là điều bất bình thường; xác minh một số HS không đi xe buýt nhưng vẫn có trong hồ sơ thanh toán…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái giá của buông lỏng quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.