Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự kiến, từ ngày 16-3, điều chỉnh giá điện tăng 7,5%

Thanh Mai| 06/03/2015 19:12

(HNMO) - Ngày 6-3, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có cuộc trao đổi với các cơ quan thông tấn báo chí về việc điều chỉnh giá bán điện. Dự kiến, giá bán điện mới sẽ được thực hiện từ ngày 16-3 với mức điều chỉnh 7,5% theo sự chấp thuận của Thường trực Chính phủ.


 Điều chỉnh dựa trên chi phí đầu vào sản xuất điện


Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, căn cứ theo Quyết định 69/2013/QĐ-TTg ngày 19-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã tính toán giá điện dựa trên các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí đầu vào sản xuất điện. Các chi phí đã được cập nhật từ lần điều chỉnh tăng giá gần nhất (ngày 1-8-2013) đến thời điểm xây dựng phương án giá điện mới ( ngày 31-1-2015). Theo đó, các yếu tố làm giảm chi phí sản xuất điện, gồm: Giá dầu trong nước giảm tác động làm giảm chi phí mua điện (-) 219,2 tỷ đồng; giá dầu quốc tế giảm tác động làm giảm chi phí mua điện của các nhà máy nhiệt điện khí giảm -1.366,6 tỷ đồng. Tổng chi phí giảm là 1.657,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng chi phí tăng lên tới 10.491 tỷ đồng, trong đó, tăng chi phí cho sản xuất điện là 8.833 tỷ đồng, do: Giá than tăng từ ngày 22-7-2014 so với giá than ngày 1-8-2013 làm tăng chi phí phát điện 4.485 tỷ đồng; điều chỉnh giá khí trên bao tiêu (tính theo cơ chế thị trường bằng 0,46 giá dầu HFO quốc tế làm tăng chi phí phát điện 3.532,8 tỷ đồng; tăng giá khí trong bao tiêu theo lộ trình làm tăng chi phí mua điện 557,1 tỷ đồng; chi phí mua điện tăng 105,6 tỷ đồng do tỷ giá bình quân tăng; thuế tài nguyên nước tăng từ 2% tính trên giá bán lẻ điện bình quân lên 4% làm chi phí phát điện tăng 1.590 tỷ đồng; giá chi phí tránh được năm 2015 tăng (áp dụng cho các nhà máy thủy điện từ 30MW trở xuống) làm chi phí mua điện tăng 148,5 tỷ đồng.
Ngoài ra một số các khoản chi phí khác, như: Chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: 1.019,16 tỷ đồng; Chi phí lắp đặt tụ bù để nâng cao chất lượng điện áp; ; Bổ sung chi phí môi trường rừng năm 2011, 2012 của các nhà máy đến 30MW: 166,52 tỷ đồng….;

Bên cạnh đó, khoản chênh lệch tỷ giá tính đến 31-12-2013 chưa được phân bổ là 8.811 tỷ đồng. Theo Phương án giá điện được phê duyệt thì khoản chênh lệch tỷ giá sẽ được phân bổ vào năm 2015 là khoảng 926 tỷ, số tiền chênh lệch còn lại được phân bổ vào các năm từ 2016 trở về sau là khoảng 7.880 tỷ đồng.

Với sản lượng dự kiến năm 2015 là 115 tỷ kWh thì khi điều chỉnh giá điện tăng 7,5% từ ngày 16-3-2015, doanh thu của EVN tăng thêm 13.012 tỷ đồng. Doanh thu tăng thêm từ điều chỉnh tăng giá điện sẽ được bù đắp vào các khoản chi phí đầu vào tăng thêm như: chi phí nhiên liệu than, khí; tỷ giá; thuế tài nguyên và thực hiện các dự án điện đầu tư theo Quy hoạch của Tổng sơ đồ điện đã được Chính phủ phê duyệt.

Hộ sinh hoạt sử dụng dưới 100kWh tăng thấp hơn mức bình quân


Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết, biểu giá điện lần này có tính đến ảnh hưởng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách. Kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội dự kiến tăng thêm mỗi năm là 153 tỷ đồng (hiện tại khoảng 1.000 tỷ đồng). Biểu giá lần này củng đã tính đến mức tăng điện sinh hoạt cho các hộ dân có mức tiêu thụ điện năng sinh hoạt thấp với mức tăng cho 50kW đầu tiên là 6,92% từ 51 đến 100kW là 6,98% thấp hơn mức tăng bình quân 7,5% .

Tác động trực tiếp làm tăng CPI năm 2015 khoảng 0,23%; tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 4.800 đồng; tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 9.800 đồng; tỷ lệ tăng giá thành sản xuất đối với một số sản phẩm có mức tiêu thụ điện cao như thép, xi măng khoảng từ 0,07% - 0,66%. Riêng đối với giá điện cho nhóm khách hàng kinh doanh, dịch vụ, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét điều chỉnh giảm giá bán điện cho khách hàng kinh doanh, dịch vụ ở mức thấp hơn mức tăng bình quân 7,5%.

Giá truyền tải phải đáp ứng phát triển lưới điện cho thị trường bán buôn

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia gần đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu trong đợt tăng giá điện lần này, ưu tiên điều chỉnh giá truyền tải điện, để Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có thể nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các chỉ tiêu tài chính theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, bảo đảm tự thu xếp đủ vốn cho đầu tư phát triển lưới điện truyền tải.

Năm 2014, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) thực hiện điều hành với giá truyền tải 86,4 đồng/kWh Bộ Công Thương phê duyệt và kế hoạch EVN giao với sản lượng điện truyền tải 124.151 triệu kWh tăng 10,92% so với thực hiện năm 2013; tỷ lệ tổn thất 2,49%. Doanh thu đạt từ hoạt động truyền tải điện đạt 10.746,671 tỷ đồng, trong đó, chi phí cho sản xuất truyền tải là 10.517,611 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ còn hơn 229 tỷ đồng (1%); chi phí khấu hao cơ bản (đã đánh giá lại tài sản) là 585,929 tỷ đồng. Phân bổ lỗ chênh lệch tỷ giá dài hạn tính đến 31-12-2013 và chi phí năm 2014 là 255,815 tỷ đồng. Còn lại khoảng 1.730,185 tỷ đồng chuyển sang phân bổ vào năm 2015.

Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri, hiện nay hạn mức để EVN bảo lãnh vay vốn cho NPT đã hết (vốn điều lệ của NPT là 22.000 tỷ đồng), vì vậy, bài toán vốn cho phát triển lưới điện truyền tải đang gặp khó khăn. Đợt điều chỉnh tăng giá điện lần này, EVN sẽ thực hiện một loạt giải pháp để giải quyết vốn cho NPT, trong đó, sẽ điều chỉnh giá truyền tải nhằm tăng lợi nhuận, tăng khấu hao, trên cơ sở đó tăng vốn điều lệ cho NPT, bảo đảm đủ vốn để xây dựng lưới điện truyền tải đáp ứng thị trường bán buôn sẽ khởi động vào năm 2015 và thực hiện rộng rãi vào năm 2019; đáp ứng thị trường bán lẻ vào năm 2023. Trước mắt, tập trung xây dựng để tạo mạch vòng cấp điện áp 500kV và 220kV ở 2 khu vực trọng điểm kinh tế-xã hội là Miền Nam và Miền Bắc. Đặc biệt, tạo mạch vòng đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và chất lượng cho Thủ đô Hà Nội./



(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự kiến, từ ngày 16-3, điều chỉnh giá điện tăng 7,5%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.