Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể để “nước đến chân mới nhảy”

Hồng Sơn| 16/03/2015 06:44

(HNM) - Năm nay là năm đặc biệt, với rất nhiều hoạt động chuẩn bị tham gia vào những hiệp định thương mại tự do quan trọng của Việt Nam, nhất là việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Đây là vận hội, đồng thời cũng là thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước. Vì thế, các ngành chức năng cần nhận diện một số bất lợi và hạn chế của DN để cảnh tỉnh, đôn đốc các đơn vị sớm hành động nhằm vượt khó suôn sẻ…

Không phải ngẫu nhiên mà gần đây các chuyên gia thường cảnh báo các DN cần quan tâm đến tiến trình hội nhập quốc tế nói trên. Bởi, chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa AEC sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là dấu mốc quan trọng và đặt ra không ít thách thức cho DN Việt trong một thị trường mở, không còn bất kỳ rào cản nào.

Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những ngành hàng phải đối phó với hàng ngoại. Ảnh: Linh Ngọc


Phân tích sâu hơn sẽ thấy rõ một số lo ngại. Cụ thể, AEC cho phép và ủng hộ việc tự do di trú, tìm việc làm của công dân mỗi nước và từ đó sẽ hậu thuẫn cho sự xuất hiện của một làn sóng di cư tự do trong khu vực. Đối với Việt Nam, đây không hẳn là thời cơ mà ngược lại có khi lại là thách thức, bởi lẽ hầu hết người lao động trong nước không được đào tạo theo chuẩn quốc tế; lại càng thiếu sự trang bị về ngoại ngữ cũng như những kỹ năng mềm về quản trị, khả năng làm việc, giao tiếp trong môi trường đa văn hóa, kiến thức tin học, chuẩn mực kế toán… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận, lao động các nước như Philippines, Indonesia, Malaysia... thường sử dụng ngoại ngữ tốt hơn lao động Việt Nam và đó là một bất lợi.

Tiếp theo, việc hình thành và vận hành đầy đủ của AEC chính là điều kiện thuận lợi cho sự dịch chuyển dòng vốn, từ đó nguồn vốn đầu tư sẽ "chảy" từ các nước, nhất là từ một vài quốc gia phát triển như Singapore, Thái Lan vào Việt Nam. Hơn một năm qua, thị trường Việt Nam đã chứng kiến thực tế này, thể hiện qua việc DN Thái Lan tăng cường mua lại một phần hay toàn bộ một số DN Việt Nam. Dự báo, vấn đề này sẽ còn gia tăng mạnh hơn theo xu hướng ấm dần lên của thị trường chứng khoán, trong đó có cả việc ngày càng nhiều đơn vị thực hiện việc niêm yết, bán cổ phần trên thị trường này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, nhờ sự hạ thấp thuế suất, theo hướng tiến dần về 0% và áp dụng đối với các loại hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN thì việc hàng hóa các nước tràn vào Việt Nam sẽ là điều không tránh khỏi. Đây là cam kết chung để đổi lại việc hàng Việt cũng có cơ hội thâm nhập thị trường các nước. Đáng lo ngại là cơ cấu hàng hóa của các nước thuộc khu vực có một phần tương tự như hàng Việt nên sẽ đẩy mức cạnh tranh trực tiếp lên ngưỡng căng thẳng hơn. Những ngành hàng và sản phẩm phải đối phó với hàng ngoại sẽ là nông sản và thực phẩm chế biến; hàng gia dụng, xi măng, gỗ và sản phẩm gỗ, ô tô…

Như vậy, nguy cơ là có thật và đã nhãn tiền, nhưng xem ra không ít DN Việt vẫn trong tình trạng "đủng đỉnh". Theo số liệu điều tra mới đây, hiện có đến 76% DN Việt không biết gì về AEC. Qua đó, DN nội không biết là mình sẽ thi đấu trong một thị trường rộng lớn, với khoảng 600 triệu người tiêu dùng và bao gồm cả cơ hội lẫn thách thức đan xen nhau, khiến DN phải gồng mình cạnh tranh tồn tại.

Các chuyên gia cho rằng, trước tình hình trên, mỗi đơn vị cần chủ động tìm hiểu vấn đề để biết "mình là ai" nhằm huy động nguồn lực, nhất là lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp. Đây là khuyến nghị rất quan trọng và hợp lý, bởi 97% DN hiện nay đều có quy mô nhỏ và vừa, nên hầu như không thể "căng sức" tham gia dàn trải trên nhiều ngành nghề. Ngược lại, cần "mài sắc" tinh thần, ý chí kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản lý và theo đuổi một mục tiêu phù hợp về vốn, công nghệ, thị hiếu và sức mua của khách hàng.

Một vấn đề khác đối với DN Việt Nam là phần lớn các nước ASEAN (trừ Lào, Campuchia và Myanmar) đều có trình độ và các hoạt động dịch vụ đa dạng, tiệm cận tập quán, trình độ quốc tế hơn hẳn so với DN Việt. Từ đó, mỗi đơn vị cần nắm bắt tình hình, cải thiện năng lực, nhất là về chất lượng thực hành của đội ngũ nhân viên để có thể giành thị phần trong cuộc cạnh tranh với DN ngoại về chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, năng lực của các DN hoạt động trong lĩnh vực kho vận và vận tải đa phương thức, vận chuyển khách du lịch, dịch vụ ngân hàng - tài chính, kinh doanh ăn uống và cơ sở lưu trú của ta còn hạn chế nên cần cố gắng nhiều để kịp thời bắt kịp yêu cầu trong tình hình mới.

Thực tế cho thấy, thị trường mở thường đặt ra khả năng phát sinh thời cơ hoặc hoàn cảnh để một DN nội liên kết, hợp tác với DN ngoại. Vì vậy, DN nội cũng cần gia tăng khả năng làm chủ tình huống này, sẵn sàng cùng điều hành một cơ sở liên doanh hay thực hiện một hợp đồng với các DN ngoại một cách suôn sẻ; tránh tình trạng làm ăn theo kiểu cảm tính, thiếu căn cứ pháp lý. Hội nhập là con đường không thể trì hoãn và vấn đề luôn phụ thuộc vào sự năng động, tỉnh táo cũng như sự chuẩn bị chu đáo của DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể để “nước đến chân mới nhảy”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.