Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đi nào cho các làng nghề trước thềm hội nhập?

Sơn Tùng| 13/04/2015 06:26

(HNM) - Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho việc hình thành Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) (chính thức công bố vào ngày 31-12-2015).



Theo đó, tham gia AEC, làng nghề (LN) có thời cơ và thách thức gì; làm thế nào để nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa LN, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của các LN cho đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Đó là những nội dung chính được các chuyên gia kinh tế, các LN tập trung bàn thảo tại diễn đàn: Làng nghề Việt Nam hội nhập Cộng đồng kinh tế Asean.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Ảnh: Hải Anh


Làng nghề đối mặt với nhiều thách thức

Khi AEC có hiệu lực, hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ, thuế xuất nhập khẩu vào Việt Nam bằng 0%, hàng hóa của các nước vào Việt Nam sẽ còn nhiều hơn. Nếu không giữ được thị trường nội địa, Việt Nam có nguy cơ tự biến mình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các nước. Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn và sự chênh lệch về thu nhập giữa các quốc gia ASEAN sẽ là nguyên nhân tạo nên sự di chuyển lao động giữa các quốc gia giàu, nghèo và sẽ là thách thức đối với Việt Nam. Trong khi đó, hiện nay, cơ sở sản xuất LN còn nhiều yếu kém do phần lớn là các hộ gia đình nên càng phải liên kết để cùng nhau hợp lực, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi cơ sở.

Tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), dù doanh thu hiện tại đạt mức 27 tỷ đồng/năm cũng đang đứng trước nhiều lo ngại khi nguồn nguyên liệu ngày một khó khăn, đất trồng dâu, nuôi tằm ngày càng thu hẹp trước làn sóng đô thị hóa. Đây cũng là khó khăn chung đối với nhiều làng nghề tơ lụa trên cả nước. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đến từ làng nghề mây tre đan Phú Vinh lại quan tâm khi mây tre đan Phú Vinh đang gặp sự cạnh tranh quyết liệt đến từ Trung Quốc, Thái Lan… So với mặt hàng tương tự của các đối thủ cạnh tranh, nhất là Trung Quốc, làng nghề Việt Nam đang yếu thế về chất lượng sản phẩm cũng như giá thành. Nếu không có sự thay đổi từ chính các công đoạn sản xuất, từ giá thành sản phẩm thì sản phẩm của chúng ta khó cạnh tranh nổi, ngay cả khi cuộc khủng hoảng qua đi. Đó cũng là lý do khiến LN ngày càng giảm sút. Trước đây, khi kinh tế ổn định với nhiều đơn đặt hàng thì mỗi xưởng sản xuất có vài chục đến cả trăm công nhân, thợ thủ công làm nghề. Nhưng hiện nay, do không có đơn hàng nên mọi người phải chuyển sang nghề khác để kiếm sống.

Tại diễn đàn, đại diện các LN đều kiến nghị Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn cho lao động làm nghề và các hoạt động cho LN phát triển, tránh bị mai một; đồng thời có cơ chế riêng và có cơ quan chủ quản để chỉ đạo tổ chức sản xuất và phát triển cho các LN. Bởi hiện nay, việc phát triển LN liên quan đến rất nhiều bộ như: NN&PTNT, Công thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Liên minh HTX… Bên cạnh đó, trên thực tế, việc đào tạo các nghề thủ công mỹ nghệ cần nhiều thời gian hơn so với các nghề khác, do đó nên điều chỉnh Quyết định 1956 về dạy nghề cho phù hợp.

Nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề

Tại hội nghị, ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội LN Việt Nam đưa ra một số giải pháp "sống còn" cho các LN trước cánh cửa hội nhập. Ông Tuấn cho rằng, tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN là một bước phát triển rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Cơ hội cho LN nước ta tăng tính cạnh tranh, phát triển bền vững hơn; song cũng có nhiều thách thức. Việt Nam hiện đang ở trình độ thấp trong các nước ASEAN, xếp sau 6 nước (ASEAN-6) và đứng trong nhóm 4 nước cuối bảng (Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam), do đó, khó khăn khi tham gia AEC là rất lớn, phải có những cố gắng vượt bậc về các mặt, nhất là thể chế và nguồn nhân lực để hạn chế thua thiệt và đạt hiệu quả cao trong hội nhập...

Vấn đề đặt ra hết sức cấp bách hiện nay là phải nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa LN, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của các LN cho đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh trong LN cần phát huy tiềm năng, tranh thủ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên phát triển với hiệu quả ngày càng cao. Mỗi doanh nghiệp, mỗi thương nhân đều phải hiểu sâu, hiểu rõ về AEC. Đối với các làng nghề dệt lụa, PGS.TS Trần Mạnh Đạt cho rằng: Nên chăng, song song với việc duy trì và phát triển ngành lụa tơ tằm như một loại hàng truyền thống cao cấp, Nhà nước cần nghiên cứu, tìm ra những chất liệu mới cho ngành dệt để không lệ thuộc quá nhiều vào lá dâu, con tằm. Nhìn sang các nước bạn trong khu vực, người Indonesia cũng có một loại vải thủ công được gọi là Batik. Kỹ thuật tạo vải này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, đặc biệt là quy trình vẽ họa tiết lên vải. Chỉ trong vòng 5 năm, doanh thu từ vải thủ công Batik đã tăng lên 10 lần, chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Đức, Hàn Quốc thu hút 3,4 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất kinh doanh hàng Batik. Đối với ngành dệt thủ công ở Việt Nam, có ý kiến cho rằng nên chăng cũng cần tìm một hướng đi tương tự.

Ngoài ra, các LN Việt Nam phải rà soát lại toàn bộ các sản phẩm hàng hóa của cơ sở, so sánh với các mặt hàng của các nước ASEAN. Đặc biệt, cần chú ý những sản phẩm thủ công mỹ nghệ dùng nguyên liệu mây, tre, gỗ, vàng, bạc… đang có những nước ASEAN cùng sản xuất. Song song với đó, tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản trị cơ sở. Nói cách khác, cần phải tái cấu trúc lại từng DN, sắp xếp lại quá trình sản xuất, từ khâu mua nguyên liệu, phụ liệu cho đến dây chuyền sản xuất… để bố trí lại cho hợp lý, giảm chi phí để sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thương trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi nào cho các làng nghề trước thềm hội nhập?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.