Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cơ cấu nền kinh tế: Xác định động lực mới

Hương Ly| 25/04/2015 07:57

(HNM) - Những vấn đề kinh tế vĩ mô có tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng nền kinh tế như: Kết quả thực hiện tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế, tỷ lệ nợ công có xu hướng tăng cao, sự lớn mạnh của khối DN FDI đang làm mờ nhạt vai trò của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN)…

May mặc là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam. Ảnh: Nhật Nam



Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng

Là một trong những chủ đề được quan tâm nhất hiện nay tại các diễn đàn thảo luận về kinh tế, một lần nữa, chủ đề "TCC nền kinh tế" đã được các chuyên gia phân tích tại "Diễn đàn kinh tế mùa xuân". Theo TS Nguyễn Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năm 2014 là thời điểm quá trình TCC nền kinh tế khởi động mạnh mẽ. Biểu hiện ở chỗ nền kinh tế đã có định hướng theo nguyên tắc thị trường, nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, đồng thời trao quyền tự do và tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Chính phủ cũng đã chứng tỏ quyết tâm thay đổi khi điều chỉnh chức năng theo thị trường, thể hiện ở nguyên tắc phê duyệt đầu tư công, cải cách hành chính, áp dụng chế độ trách nhiệm cá nhân.

Đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đạt được trong năm 2014, đặc biệt điểm nhấn là sự tăng trưởng bất ngờ ở quý III (6,07%) và quý IV (6,96%) làm cho mức tăng trưởng cả năm cao hơn hẳn so với 3 năm trở lại đây, song TS Trần Đình Thiên nhận xét, mức phục hồi này vẫn còn thấp và chưa thực sự bền vững. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng năm 2014 thấp hơn khá xa mức tăng trưởng bình quân của giai đoạn 1990-2010. Lĩnh vực nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng năm 2014 cao hơn 3 năm trước nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2006-2010 và nhập khẩu của ngành này ở đầu vào khá lớn. Nền công nghiệp nước ta thực chất lại là nền công nghiệp định hướng phi công nghệ. Phần lớn các DN sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Về xuất nhập khẩu, thị trường xuất khẩu của Việt Nam khá đa dạng nhưng thị trường nhập khẩu còn quá tập trung. Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng nhập khẩu tới 29% giá trị từ Trung Quốc.

Vấn đề nợ công có xu hướng tăng mạnh cũng được các chuyên gia cảnh báo. Tính đến tháng đầu năm 2015 (theo đồng hồ nợ công toàn cầu), nợ công Việt Nam ở mức 46,9% GDP, con số này vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo tiêu chuẩn về ngưỡng trần nợ công/GDP 65% do Bộ Tài chính đề ra. Tuy nhiên, nếu nói về hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay, thì đây là một thực trạng đáng lo lắng. Đặc biệt, tình hình thâm hụt ngân sách diễn ra liên tục trong những năm gần đây cũng không thể lơ là. Bởi mức nợ công tăng nhanh để tài trợ thâm hụt ngân sách sẽ là áp lực cho cân đối ngân sách nhà nước những năm tới và gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ.

Phải thay đổi tư duy

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng, cần luật hóa quy định về cổ phần hóa (CPH) DNNN. Để đạt mục tiêu hoàn thành CPH 432 DN trong năm 2015 phải có "bàn tay" của Quốc hội với quy chế cụ thể xác định DN có quy mô, số kinh phí, mức sử dụng tài chính đến đâu thì cần phải xin ý kiến Quốc hội về phương án CPH. Theo quy định, dự án đầu tư đến 10.000 tỷ đồng đã được xếp là công trình trọng điểm quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương nhưng có những DN giá trị còn lớn hơn nhiều vẫn có thể bán, mua "rộng cửa". Do đó, cần định mức giá trị DN từ 1,5 tỷ USD trở lên thì phải xin ý kiến Quốc hội, nếu không sẽ thất thoát, tiêu cực rất lớn ngay trong quá trình CPH.

Trong bối cảnh sắp xếp, CPH các DNNN đang ráo riết được thực hiện nhằm tăng sức mạnh cho DN khối này, thì khối DN FDI đã lớn mạnh nhanh chóng. Thống kê cho thấy, quý I-2015, số DN phải ngừng hoạt động là 16.175, tăng 14,2% so với quý I-2014. Con số này cho thấy, cộng đồng DN vẫn đang gặp nhiều khó khăn do yêu cầu tiếp cận nguồn vốn vẫn chậm được cải thiện, một phần vì nợ xấu không được giải quyết… Trong bối cảnh đó, đóng góp vào GDP của khu vực DN FDI tăng liên tục từ 15,6% năm 2005 lên xấp xỉ 20% năm 2013. Giá trị sản xuất công nghiệp của khối này cũng tăng liên tục từ năm 2005 đến nay. Năm 2014, khối DN FDI chiếm gần 68% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, với xu thế hiện nay quan điểm kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo cần phải xem xét lại. Việc DN FDI chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu và chiếm gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp - tăng trưởng kinh tế không làm tiềm lực kinh tế quốc gia và khu vực trong nước mạnh lên, ngược lại làm DN trong nước yếu đi.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi hội nhập, có sự cạnh tranh sòng phẳng và minh bạch giữa các khu vực kinh tế thì cần thay đổi tư duy về xác định động lực mới. Trong bối cảnh nghị quyết của Đảng coi kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế thì việc ban hành những chính sách hỗ trợ phát triển DN vừa và nhỏ, khối DN tư nhân sẽ có cơ hội phát triển và từng bước khẳng định vai trò của mình, qua đó đóng góp tích cực trở lại vào tốc độ tăng trưởng kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu nền kinh tế: Xác định động lực mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.