Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hậu quả do phá vỡ quy hoạch

Ngọc Quỳnh| 28/04/2015 07:23

(HNM) - Hiện tại, thị trường nông sản Việt Nam đang



Sự "ngắt quãng" sản xuất - tiêu thụ là một trong những lý do gây nên thực trạng này. Nhằm cung cấp thông tin, giải đáp ý kiến của người dân về vấn đề này, ngày 27-4, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề "Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường".

Xe chở dưa hấu ùn tắc tại Cửa khẩu Tân Thanh tháng 4-2015. Ảnh: Văn Duẩn


"Đói" thông tin thị trường

Theo Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 9,13 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,47 tỷ USD, giảm 6%. Hầu hết mặt hàng nông sản chính đều giảm về khối lượng hoặc giá trị so với cùng kỳ năm trước như gạo giảm 4,8% về khối lượng và 9,2% về giá trị, cà phê giảm 41% về khối lượng và 39,3% về giá trị... Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, giá trị xuất khẩu nông sản giảm là do thị trường thế giới có nhiều biến động, giá liên tục giảm, thậm chí giảm sâu như cà phê, thủy sản trong khi các nước xuất khẩu cùng mặt hàng với Việt Nam đều gia tăng sản lượng như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia. Trình độ công nghệ trong chế biến nông sản của nước ta mặc dù được cải thiện nhưng còn khoảng cách lớn so với thế giới. Tổ chức sản xuất chủ yếu là hộ cá thể dẫn tới việc ứng dụng khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm còn thấp. Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia còn chậm đổi mới so với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường. Nông dân và doanh nghiệp đều thiếu thông tin, dẫn tới cung vượt cầu. Theo thống kê của các ngành chức năng, mỗi ngày có trên 800 xe dưa hấu đổ về cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) nhưng chỉ có khoảng 350- 400 xe được phía Trung Quốc nhập khẩu, khiến tình trạng ùn tắc kéo dài nhiều ngày liên tiếp xảy ra. Còn mặt hàng hành tím, bà con nông dân cũng đang chịu cảnh bán rẻ khi cách đây 1 tháng, thương lái chỉ thu mua với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, nay tụt xuống còn 5.000 đồng/kg, thậm chí chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Thừa - Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) đánh giá, tiêu thụ nông sản bị ứ đọng là do quy hoạch bị phá vỡ. Chẳng hạn, theo quy hoạch cả nước chỉ trồng 500.000ha cà phê, đến nay phát triển thành 620.000ha; cao su quy hoạch là 180.000ha, lên thành 1 triệu ha... Nông dân cứ thấy lợi nhuận là chặt cây không hiệu quả đi trồng cây mới dẫn đến sau một thời gian phát triển "nóng", hậu quả "được mùa, rớt giá" lặp lại và không có hồi kết.

Tình trạng giá giảm sẽ tiếp diễn

Các đại biểu tham gia tọa đàm đều cho rằng, công tác quy hoạch chưa tốt và sát với thực tiễn; thiếu thông tin về thị trường; liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa hiệu quả, bất cập trong khâu bảo quản, vận chuyển, thông quan xuất khẩu hàng hóa... là những nguyên nhân chính của tình trạng xuất khẩu sụt giảm và khó khăn đối với ngành nông nghiệp thời gian qua. Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho các mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam, Nhà nước cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng dự báo thông tin thị trường... Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất Khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, nghiên cứu về thị trường phải thực hiện xuyên suốt, kịp thời, phù hợp với thực tế. Tập trung phát triển các kênh phân phối ở thị trường nội địa, phát triển chợ đầu mối để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Trên thế giới đang có xu hướng sản xuất để tự cung cấp sản phẩm cho người dân, hạn chế nhập khẩu nên việc mở rộng thị trường nội địa có vai trò to lớn để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhà nước cần có biện pháp can thiệp thị trường phù hợp để hỗ trợ tiêu thụ nông sản như chính sách thu mua tạm trữ thóc, gạo hiện nay.

Bên cạnh đó, đối với những loại nông sản chủ yếu xuất khẩu sang các nước có chung biên giới, các bộ, ngành cùng với chính quyền địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nước bạn trong việc thông quan, giảm ách tắc về hàng hóa để đẩy nhanh xuất khẩu. Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, các địa phương cần rà soát, nắm chắc tình hình, kế hoạch sản xuất của từng vụ trên địa bàn mình để chủ động các phương án, bảo đảm tiêu thụ tốt nhất nông sản khi vào vụ thu hoạch. Trong thời gian tới, khi mùa vải, nhãn đang đến gần, nếu không có giải pháp tốt về thị trường thì tình trạng giá giảm lại tiếp diễn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu quả do phá vỡ quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.