Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau truy thu phải xử phạt nghiêm!

Hương Ly| 28/04/2015 08:28

(HNM) - Sau nhiều năm được coi là một trong những

Nhưng ngoài Metro Việt Nam, nhiều "nghi án" chuyển giá, trốn thuế vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải. Theo các chuyên gia kinh tế, với lực lượng thanh tra thuế mỏng như hiện nay, cơ quan thuế nên bắt đầu điều tra từ những doanh nghiệp (DN) có nguy cơ trốn thuế cao nhất. Việc xử phạt nặng những sai phạm này cũng cần được tính đến nhằm răn đe những DN có ý định gian lận thuế.

Metro Việt Nam vừa bị “phanh phui” hàng loạt sai phạm về thuế.


Lộ diện các chiêu trò

Kết quả thanh tra thuế tại Metro Việt Nam do Tổng cục Thuế công bố mới đây đã cho thấy, những "nghi án" hàng đầu về chuyển giá, trốn thuế của một số DN FDI hoàn toàn có cơ sở. Kết luận này cũng lý giải vì sao trong 13 năm hoạt động tại Việt Nam, Metro Việt Nam chỉ duy nhất một năm có lãi 173 tỷ đồng. Qua thanh tra thuế tại Metro Việt Nam, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Công ty này điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế với tổng số tiền 507 tỷ đồng.

Tại cuộc thanh tra này, Tổng cục Thuế đã chỉ rõ các chiêu chuyển giá tinh vi của Metro Việt Nam, trong đó nêu rõ hoạt động "gửi" giá ở công ty mẹ và các công ty liên kết tại Đức. Theo phát hiện của cơ quan thuế, chi phí trả cho các công ty liên kết ở Đức từ năm 2001-2013 có khoản phí nhượng quyền thương mại đã lên đến 731 tỷ đồng. DN lại lý giải rằng, vì Metro và công ty mẹ tại Đức có ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu từ khi đầu tư ở Việt Nam nên hằng năm Metro phải trả chi phí này cho công ty mẹ. Chi phí lương, thưởng và phụ cấp cho Ban Giám đốc và chuyên gia nước ngoài trả cho các cá nhân thông qua Metro Cash & Carry tại Đức (chi phí bồi hoàn) lên đến 699 tỷ đồng... Toàn bộ các khoản chi phí bất hợp lý này đã bị thanh tra Tổng cục Thuế loại khỏi chi phí khi tính thuế thu nhập DN. Đồng thời, cơ quan thuế cũng quyết định truy thu đối với những khoản không có chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định.

Ngoài Metro Việt Nam, còn không ít "nghi án" chuyển giá, trốn thuế cần sớm được thanh tra và sớm có kết luận rõ ràng. Bởi, theo kết quả khảo sát và phân tích về hoạt động chuyển giá của các DN FDI tại Việt Nam năm 2013 do nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện cho thấy, khoảng 20% DN FDI thực hiện chuyển lợi nhuận nhằm giảm gánh nặng thuế. 37% DN mà nước xuất xứ có thuế suất thấp hơn Việt Nam có xu hướng thực hiện chuyển giá. Trong đó, 90% DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm; 70% DN lĩnh vực sản xuất dệt may; 51% DN lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô... thực hiện chuyển giá. Kết quả này dựa trên cơ sở khảo sát thu thập ý kiến của 1.609 DN FDI đến từ 49 quốc gia khác nhau, hoạt động trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ DN FDI cao nhất.

Không thể tạo "thiên đường"... trốn thuế

Trước việc Metro Việt Nam bị truy thu một khoản tiền thuế khá lớn, bên cạnh việc giảm thiểu phần nào tình trạng thất thu NSNN, có ý kiến cho rằng, việc mạnh tay truy thu thuế của Metro Việt Nam sẽ làm ảnh hưởng tới mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài. Song, theo các chuyên gia kinh tế, ngành thuế cần mạnh tay hơn nữa với các DN có hành vi chuyển giá, trốn thuế nhằm tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, cơ quan thuế cần thể hiện quyết tâm mạnh hơn nữa trong việc bảo đảm công bằng cho môi trường đầu tư tại Việt Nam. Bởi từ lâu, những nghi vấn về hành vi chuyển giá ở một số DN lớn, đặc biệt là DN FDI đã được đặt ra nhưng số bị vạch mặt, chỉ tên rất ít. Trên thực tế, hoạt động chống chuyển giá của Việt Nam còn nhiều hạn chế do hệ thống pháp luật chưa chặt chẽ cũng như sự hạn chế về nghiệp vụ của cơ quan thuế. Tuy nhiên, không thể tạo "thiên đường" cho những kẻ trốn thuế đến Việt Nam làm ăn vì đó không phải mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội cũng cho rằng, các DN FDI đang được hưởng quá nhiều ưu đãi so với DN nội địa. Song, câu hỏi đặt ra là vì sao cơ quan thuế không theo dõi, giám sát chặt chẽ những đối tượng DN này và làm tốt hơn nữa trách nghiệm của mình?

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với năng lực thanh tra hiện nay, nếu không thể triển khai ở diện rộng, cơ quan thuế nên bắt đầu điều tra từ những DN có nguy cơ chuyển giá, trốn thuế cao nhất. Từ những sai phạm của Metro, ngoài việc truy thu tiền thuế, cần phạt nặng hành vi chuyển giá, trốn thuế nhằm tăng tính răn đe với những DN có ý đồ chuyển giá, trốn thuế. Sau Metro Việt Nam, dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ phía cơ quan thuế nhằm sớm có kết luận về những "nghi án" chuyển giá, trốn thuế...

Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2015, bên cạnh việc đánh giá cao nỗ lực của ngành thuế trong việc phát hiện và xử lý nhiều DN chuyển giá, giảm lỗ trên 5.000 tỷ đồng trong năm 2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, cần nâng tỷ lệ các DN được thanh tra lên mức ít nhất là 20% trong tổng số DN thuộc diện quản lý thuế. Tiếp thu ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đề nghị sẽ tăng tỷ lệ thanh tra, kiểm tra lên 20% theo lộ trình 3 năm, từ nay đến năm 2017.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sau truy thu phải xử phạt nghiêm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.