Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá xăng tăng mạnh: Khẳng định một đằng, thực tế một nẻo

Hương Ly| 07/05/2015 06:00

(HNM) - Trái với



Việc giá xăng mỗi khi giảm chỉ... nhỏ giọt nhưng khi tăng lại khá cao và đột ngột, đồng thời trái ngược với khẳng định (giữ ổn định) của cơ quan chức năng khiến dư luận không thể không đặt ra nhiều câu hỏi.

Tối 5-5, giá xăng đã “đội” lên 1.950 đồng/lít. Ảnh: Thái Hiền


"Xả" quỹ, giảm thuế... giá vẫn tăng

Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng đối với mỗi lít xăng, dầu (có hiệu lực từ ngày 1-5-2015), đại diện Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đã khẳng định: Việc tăng thuế sẽ không làm tăng giá bán lẻ xăng, dầu. Theo Bộ Tài chính, thuế BVMT, thuế nhập khẩu là những loại thuế cơ cấu trong giá bán xăng, dầu. Trong đó, thuế BVMT sẽ tăng gấp 3 lần, nhưng đồng thời thuế nhập khẩu sẽ giảm theo cam kết quốc tế và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu với các mặt hàng xăng, dầu vào năm 2024. Theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu ngân sách từ xăng, dầu bình quân năm (giai đoạn 2015-2017) sẽ giảm khoảng 28.253 tỷ đồng. Trong khi đó, việc tăng thêm thuế BVMT với mỗi lít xăng chỉ đem về nguồn thu khoảng 23.680 tỷ đồng. Như vậy, việc tăng thuế môi trường hoàn toàn không làm tăng giá xăng, nếu có tăng là do diễn biến giá trên thị trường thế giới.

Để hạn chế tác động của việc tăng thuế BVMT tới giá xăng, dầu, Bộ Tài chính đã sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với một số mặt hàng xăng, dầu. Theo đó, mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa giảm từ 35% xuống mức 20%, dầu diesel giảm từ 30% xuống 20%, dầu mazut giảm từ 35% xuống 25% và nhiên liệu bay từ 25% xuống 10%. Bộ cũng điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng sinh học (E5, E10), dầu sinh học (B5, B10) nhằm khuyến khích sản xuất và phối trộn nhiên liệu sinh học trong nước.

Tuy nhiên, tối 5-5, liên bộ Công thương - Tài chính đã có quyết định tăng mạnh giá xăng, dầu kèm theo việc "xả" Quỹ bình ổn giá, cụ thể: Giá xăng RON 92 tăng 1.950 đồng/lít lên 19.230 đồng/lít và tăng xả Quỹ bình ổn giá từ 991 đồng/lít lên 1.437 đồng/lít; xăng E5 tăng giá 1.950 đồng/lít lên 18.900 đồng/lít, tăng xả quỹ từ 991 đồng/lít lên 1.272 đồng/lít. Dầu diesel, mazut giữ nguyên giá và hỗ trợ xả quỹ lần lượt 322 đồng/lít - 303 đồng/lít.

Dự báo không sát thực tế

Trước thông tin giá xăng tăng mạnh, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội tỏ ra khá bất ngờ và khẳng định, hầu hết DN, nhất là DN nhỏ và vừa, sẽ sụt giảm lợi nhuận 5-7% bởi xăng đội giá. Trên thực tế, giá cả mới chỉ ổn định được trong quý I, nhiều hợp đồng DN đã ký từ đầu năm vẫn đang trong giai đoạn thực hiện. Xăng đội giá sẽ khiến toàn bộ chi phí đầu vào đồng loạt tăng cao trong khi DN không thể thay đổi hợp đồng với đối tác. Mặt khác, giá xăng tăng sẽ khiến các DN phải điều chỉnh tăng giá hàng hóa, dịch vụ và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới đời sống của đại đa số người dân.

Đón nhận thông tin xăng tăng giá, Giám đốc Công ty CP Hacinco Hoàng Thị Yến Nga (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ngành dịch vụ khách sạn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bởi giá các nguyên liệu đầu vào của khách sạn như thực phẩm, bia, rượu, nước giải khát sẽ đồng loạt điều chỉnh do cước vận chuyển tăng cao. Hệ quả tất yếu là giá dịch vụ khách sạn cũng buộc phải tăng lên tương ứng, trong khi cạnh tranh trong ngành dịch vụ ngày càng gay gắt và để thu hút được khách hàng là vấn đề không đơn giản.

Không ít DN được hỏi bày tỏ mong muốn công tác dự báo về giá xăng, dầu sẽ sát với thực tế hơn để DN có thể dựa vào đó để xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp. Theo ông Mạc Quốc Anh, công tác dự báo chưa sát với thực tế. Thêm vào đó, việc điều hành giá hàng thiết yếu hiện nay cũng còn tồn tại nhiều bất cập. Đơn cử, việc giảm giá xăng thường được chia nhỏ thành nhiều đợt để giảm "sốc" cho ngân sách cũng như các DN đầu mối xăng dầu nhưng khi tăng giá thường đột ngột, mức tăng cao gấp 2-3 lần mức giảm. Một số DN khác cũng cho rằng, mặc dù Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đã được xả và thuế nhập khẩu một số mặt hàng dầu cũng được Bộ Tài chính điều chỉnh giảm nhưng quỹ vẫn là do người dân đóng góp để trích ra khi cần thiết theo quy định của Nhà nước. Song mặt hàng mà DN và người dân mong muốn được chia sẻ gánh nặng nhiều nhất là xăng thì thuế vẫn giữ nguyên ở mức 20%. Trên thực tế, việc giảm thuế chỉ có thể bình ổn được giá xăng, dầu khi giá thế giới ít biến động; khi giá thế giới tăng mạnh mà không có hỗ trợ từ thuế thì dù có xả quỹ bình ổn, giá xăng, dầu vẫn tăng đột biến và tạo ra những tác động tiêu cực tới đời sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh.

* Chị Đào Thị Thảo, Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông: Với người đi làm hằng ngày và khoảng cách chỉ vài kilômét thì việc tăng giá xăng không ảnh hưởng quá nhiều tới chi tiêu gia đình. Tuy nhiên, với ai đi làm xa hoặc làm nghề dịch vụ, chở khách hay vận chuyển hàng hóa sẽ bị tác động lớn do tốn thêm chi phí. Quan trọng hơn, người tiêu dùng luôn mong muốn được mua xăng, dầu với giá hợp lý, minh bạch.

* Ông Ngô Trí Long, chuyên gia giá cả, thị trường: Trước tiên, cần nhận định rằng, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhiên liệu từ thị trường quốc tế và đương nhiên, giá đầu vào phải theo cơ chế thị trường. Vì vậy, việc tăng giá bán trong nước là điều dễ hiểu và bình thường. Vấn đề là cơ quan chức năng chưa làm tốt công tác dự báo, còn bị động trước việc giá nhiên liệu thế giới hồi phục rất nhanh, nên lúng túng trong việc phối hợp giữa các biện pháp và công tác điều hành. Tóm lại, cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả công tác dự báo và có những kịch bản đối phó một cách chủ động, kịp thời để từ đó dung hòa, bảo đảm quyền lợi giữa ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hồng Sơn

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá xăng tăng mạnh: Khẳng định một đằng, thực tế một nẻo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.