Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao niềm tự hào hàng Việt

Thanh Hiền| 13/05/2015 07:11

(HNM) - Trong năm nay, Ban Chỉ đạo (BCĐ) trung ương cuộc vận động (CVĐ)

Hàng Việt Nam ngày càng có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Bá Hoạt



Cụ thể, nhiều hoạt động lớn trong khuôn khổ CVĐ sẽ được triển khai như hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao và sản phẩm truyền thống, chương trình "Sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt - Vibrand" lần thứ 5; phối hợp với Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá, giới thiệu sản phẩm thương hiệu Việt ở nước sở tại; đẩy mạnh đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển hệ thống phân phối. Từ tháng 6 đến tháng 11-2015, BCĐ dự kiến sẽ thành lập 4 đoàn kiểm tra thực hiện CVĐ tại các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi "Tự hào hàng Việt". Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ thực hiện chương trình khảo sát sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng tin cậy…

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2015 của BCĐ trung ương CVĐ vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngành sản xuất chủ chốt như công nghiệp, thương mại, dịch vụ cần chinh phục người tiêu dùng Việt Nam bằng chính chất lượng sản phẩm của mình. Nếu hàng Việt Nam đắt hơn, chất lượng kém hơn, mẫu mã xấu hơn thì không thể vận động người tiêu dùng bỏ hàng ngoại để mua hàng Việt được. Vì vậy, trách nhiệm của các nhà sản xuất là rất lớn trong việc làm ra sản phẩm ít nhất là đạt tiêu chuẩn và có giá bán phù hợp với chất lượng để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Bên cạnh đó, CVĐ còn phải hướng đến huy động sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước tham mưu chính sách để phát triển hàng Việt, đồng thời Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nhà sản xuất làm ra các sản phẩm tốt, rẻ, phục vụ phân phối, lưu thông… ngày càng tốt hơn, nhằm nâng ưu thế thương hiệu hàng Việt trong nước và quốc tế.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Trưởng BCĐ trung ương CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Nguyễn Thiện Nhân, sau 5 năm triển khai, đến nay Chính phủ đã có đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ chỉ rõ trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành, tuy nhiên sự hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa đồng đều. Hiện chỉ có khoảng 50% bộ, ngành, địa phương có đề án triển khai CVĐ; việc triển khai trong từng ngành đặc thù chưa mạnh, chưa rõ. Mặt khác, chưa có tiêu chí để đánh giá, so sánh, nhận dạng hàng nội - ngoại để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị BCĐ tập trung giám sát một số kênh phân phối hàng Việt; mỗi tỉnh nên kiểm tra 1-2 chợ, siêu thị phân phối hàng Việt. Bộ Thông tin -Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng chuyên mục về CVĐ trong đó nhấn cụm từ "Tự hào hàng Việt Nam" để phản ánh thường xuyên. Các bộ, ngành liên quan cần có biện pháp cụ thể hóa nội dung chương trình triển khai của người Việt Nam ở nước ngoài… Cùng với việc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cần tập trung vận động để người dân không dùng hàng lậu, hàng không có nguồn gốc. Để bảo vệ hàng hóa trong nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với các tổ chức liên quan vận động người dân phát hiện, tố giác hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Từ đầu năm đến nay, BCĐ CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội đã cùng BCĐ các sở, ngành của thành phố tăng cường tuyên truyền cho các sản phẩm được bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích". Qua đó, CVĐ đã tạo sức lan tỏa, rộng khắp, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Hiện hàng hóa bày bán ở siêu thị, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng bình ổn chiếm hơn 90% là hàng Việt Nam. Tại khu vực nông thôn, đã có tới 80% hàng hóa được bày bán là hàng Việt Nam, trong đó sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu học tập của học sinh chiếm 90%. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng CVĐ, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm, đồng thời thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời, đã ý thức sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao niềm tự hào hàng Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.