Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự vào cuộc của cơ quan pháp luật

Nguyễn Lê - Hà Tuấn| 29/05/2015 06:55

(HNM) - Với mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các công trình hạ tầng đô thị

Kênh Ba Bò sạt lở nghiêm trọng sau 1 tháng đưa vào vận hành.



Kênh bê tông cốt thép sạt lở chỉ sau một trận mưa

Dư luận các tỉnh phía Nam đang rất bức xúc trước việc dự án cải tạo kênh Ba Bò (nằm trên tỉnh Bình Dương) mới khánh thành được một tháng đã bị hư hỏng nặng chỉ sau trận mưa đầu mùa chiều ngày 23-5. Đây là con kênh thoát nước quan trọng thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Trước đây, kênh Ba Bò đã phải chịu cảnh "cha chung không ai khóc" khi thực hiện nhiệm vụ thoát nước cho khu vực có tốc độ công nghiệp hóa thuộc hàng nhanh nhất cả nước bao gồm hơn 1.500ha của tỉnh Bình Dương và khoảng 150ha thuộc TP Hồ Chí Minh. Qua nhiều thập niên đảm đương "nhiệm vụ" tiêu thoát nước thải, kênh Ba Bò khi đó đã trở thành nỗi kinh hoàng của người dân trong vùng do bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Chính vì vậy, tỉnh Bình Dương chi ra 345 tỷ đồng ngân sách để cải tạo khoảng 3km kênh đi qua địa bàn. Tương tự, TP Hồ Chí Minh đầu tư 744 tỷ đồng cải tạo đoạn qua địa bàn mình. Ngày 24-4, UBND tỉnh Bình Dương đã khánh thành, đưa vào vận hành công trình cải tạo kênh Ba Bò đoạn đi qua địa bàn tỉnh này với chiều dài hơn 3km sau một năm thi công. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng, vào chiều ngày 23-5 mới đây, chỉ sau cơn mưa đầu mùa, mặt đường trên bờ kênh Ba Bò bị nứt, lún sụt nghiêm trọng. Nhiều đoạn sát mép kênh bị sạt lở cuốn nhiều khối bê tông xuống dòng kênh. Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn từ đường số 1 về hướng Khu công nghiệp Đồng An (Thuận An, Bình Dương) khoảng 200m, gần như toàn bộ gạch, bê tông lát mặt đường bị bong tróc, nhiều vết nứt lớn, lún sụt nghiêng hẳn về phía lòng kênh, có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào nếu mưa lớn tiếp tục đổ xuống.

Giải đáp nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH SX-XD Quỳnh Phúc (nhà thầu thi công) cho rằng, do khu vực vẫn còn đang thi công nên nhiều khe nối giữa các tấm đan bê tông dọc hai bờ taluy chưa hoàn thiện đã làm nước mưa rút vào gây ra hiện tượng sạt lở cục bộ. Khi trả lời câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị thi công, ông Nguyễn Văn Trí khẳng định, Công ty đã chủ động phối hợp với đơn vị giám sát tiến hành ngay việc khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất có thể. Trong khi đó, ông Hồ Thúc Sơn, Giám đốc Công ty Lộc Thịnh (đơn vị giám sát) cho biết, sau khi khảo sát hiện trạng, việc hư hỏng chỉ xảy ra ở công trình phụ nên không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu, chất lượng của công trình. Về trách nhiệm đơn vị giám sát, ông Hồ Thúc Sơn khẳng định sẽ đôn đốc đơn vị thi công khắc phục trong thời gian nhanh nhất.

Tuy nhiên, với lý giải trên và kể cả lời hứa sẽ tự bỏ tiền ra sửa chữa, không làm đội vốn công trình của bên liên quan vẫn không khiến người dân trong khu vực hết bức xúc. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Thành (ngụ Thuận An, Bình Dương) bày tỏ: "Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy nhiều đoạn của công trình vỡ vụn từng mảng lớn, sạt lở, lún sụt nghiêm trọng, nếu khắc phục thì kết cấu cả công trình cũng bị ảnh hưởng, giảm chất lượng không nhỏ".

Đại lộ "nghìn tỷ" tiếp tục "nướng" tiền…

Còn tại TP Hồ Chí Minh, người dân ở đây cũng đang bức xúc trước việc Đại lộ "nghìn tỷ" Đông Tây (nay là Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) có nhiều đoạn bị lún, mấp mô, "sóng trâu" như ruộng bậc thang khiến nhiều người tham gia giao thông đã bị ngã. Đáng nói, như Báo Hànộimới đã phản ánh, dự án này có tổng chiều dài gần 22km, tổng kinh phí xây dựng trên 660 triệu USD, triển khai thi công năm 2005. Sau gần 5 năm đưa vào sử dụng, nhiều đoạn đại lộ bị sụt lún, ít nhất đã 6 lần được sửa chữa, nhưng điệp khúc "lún" vẫn chưa chấm dứt. Và mới đây, trước bức xúc của công luận, UBND TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục yêu cầu Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh - Chủ đầu tư dự án Đại lộ Đông Tây, khẩn trương làm việc với nhà thầu thi công, xác định trách nhiệm khắc phục lún ngay trong quý III-2015.

Chưa hết, tuyến đường Đồng Văn Cống (trước là liên tỉnh lộ 25B - huyết mạch ra vào Cảng Cát Lái) được Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII - chủ đầu tư) sửa chữa, nâng cấp vào tháng 5-2012. Gần 1 năm sau, tình trạng mặt đường bị lún thành rãnh kéo dài. Đến nay, tuyến đường tiếp tục bị lún nặng dù hàng năm CII vẫn phải bỏ ra nhiều tỷ đồng để khắc phục nhưng không có kết quả.

Trong khi đó, theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, giai đoạn từ năm 2011-2015, tổng vốn từ ngân sách cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông chiếm đến hơn 23.800 tỷ đồng (gần 32%). Trong đó, hằng năm ngân sách thành phố vẫn phải bỏ ra nhiều tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp các công trình mới đưa vào sử dụng này.

Trước việc nhiều công trình có vốn đầu tư đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách, đưa vào vận hành chưa lâu đã xảy ra hư hỏng, xuống cấp như trên, TS Phạm Sanh, nguyên giảng viên ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, dự án có vốn đầu tư càng lớn, đặc biệt là dự án có sử dụng nguồn ngân sách, không chỉ phải công khai minh bạch toàn bộ quá trình đầu tư đến thi công, quản lý, mà khi xảy ra sự cố cần phải được cơ quan pháp luật điều tra, xử lý sai phạm nếu có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sự vào cuộc của cơ quan pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.