Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế: Nhiều khó khăn, thách thức

Hương Ly| 30/05/2015 06:55

(HNM) - Năm 2014, Cục Thuế TP Hà Nội đã chuyển hồ sơ của 342 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, trốn thuế, gian lận thuế sang cơ quan công an.



Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan thuế và công an đã kịp thời phát hiện, xử lý hàng loạt vụ vi phạm về thuế, giảm thất thu lớn cho ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, việc cơ quan thuế hiện không có chức năng điều tra, khởi tố vụ án như tại nhiều quốc gia trên thế giới là một trong những hạn chế khiến công tác chống thất thu NSNN trong lĩnh vực thuế chưa đạt kết quả như mong muốn.

Người dân đến nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình. Ảnh: Trần Hải


Thủ đoạn gian lận tinh vi

Trung tuần tháng 5-2015, Phòng cảnh sát kinh tế (CATP Hà Nội) đã thông tin về việc nhân viên Công ty CP Mỏ Việt Bắc (trước đây là Chi nhánh Tổng công ty CP Mỏ Việt Bắc) thành lập 8 công ty "ma" trên địa bàn Hà Nội để mua - bán hóa đơn trái phép, khai khống giá trị hàng hóa để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Đối tượng Lê Văn La, nhân viên kinh doanh phòng Xuất nhập khẩu, Công ty CP Mỏ Việt Bắc đã phối hợp cùng Nguyễn Thị Dậu (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) thành lập doanh nghiệp (DN) bán hóa đơn để hợp thức hàng hóa đầu vào không có nguồn gốc. Sau đó, Lê Văn La liên hệ với các công ty khai thác mỏ tại Quảng Ninh có nhu cầu mua vật tư thiết bị, thay thế cho máy móc, phương tiện hư hỏng, cung cấp cho các công ty này vật tư trôi nổi trên thị trường được hợp thức trên hợp đồng mua bán là hàng mới 100%, có nguồn gốc Nhật, Mỹ, Đức. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã chiếm đoạt một số lượng lớn tiền thuế, hưởng chênh lệch bất hợp pháp từ việc nâng khống giá trị hợp đồng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Bà Bùi Thị Mai Vân, Trưởng phòng kiểm tra thuế số 2 (thuộc Cục Thuế TP Hà Nội), đơn vị trực tiếp phát hiện những dấu hiệu sai phạm tại Công ty CP Mỏ Việt Bắc, cho biết khi kiểm tra thuế trước khi đóng mã số thuế để Công ty CP Mỏ Việt Bắc tái cơ cấu theo quy định Chính phủ, DN cho biết đã làm thất lạc phần mềm kê khai thuế nhằm gây khó khăn cho công tác xác minh của cơ quan thuế. Tuy nhiên, các cán bộ thuế đã cùng các nhân viên của DN lập lại toàn bộ hồ sơ khai thuế bằng phần mềm dựa trên hồ sơ lưu trữ của cơ quan thuế. Từ đó, Cục Thuế TP Hà Nội đã sử dụng phần mềm đối chiếu chéo hóa đơn, phát hiện đơn vị mua hàng của các DN đã bỏ trốn.

Phối hợp phá án thành công

Đánh giá về vụ án tại Công ty CP Mỏ Việt Bắc, Thượng tá Mai Trọng Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra (CATP Hà Nội) cho biết, để xác minh và thu thập chứng cứ tại các vụ vi phạm trong lĩnh vực thuế, vai trò của cơ quan thuế, mà ở đây là Cục Thuế TP Hà Nội rất quan trọng. Nếu cơ quan thuế không bám sát địa bàn, phát hiện những dấu hiệu vi phạm ban đầu cũng như phối hợp thu thập chứng cứ, việc xác minh, công tác điều tra của cơ quan công an sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trên thực tế, tội phạm mua bán hóa đơn đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi cán bộ thuế phải có năng lực chuyên môn vững mới có thể phát hiện và kịp thời xử lý theo pháp luật. Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn mượn chứng minh thư nhân dân để đăng ký kinh doanh, thành lập công ty "ma". Khi có tư cách pháp nhân, các công ty này đã dùng thủ đoạn ghi hóa đơn liên 2 cấp cho khách hàng với giá trị cao. Liên 1 và liên 3 dùng để khai thuế thường chỉ ghi số lượng cực nhỏ, đồng thời mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào. Tại vụ vi phạm của Công ty CP Mỏ Việt Bắc, cơ quan điều tra đã xác minh từ năm 2010 đến năm 2014, Lê Văn La đã chuyển 144 tỷ đồng cho các công ty "ma" của Nguyễn Thị Dậu. Dậu đến ngân hàng rút tiền, giữ lại 5-10% (tiền hoa hồng đã thỏa thuận với Lê Văn La) sau đó chuyển lại 90-95% tiền vào tài khoản của La. Cơ quan điều tra đã khởi tố 2 đối tượng này với hành vi: mua bán trái phép hóa đơn và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tiền Nhà nước (Công ty CP Mỏ Việt Bắc có 29% vốn nhà nước). Ước tính, số tiền thuế do Lê Văn La và đồng bọn chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng.

Một cán bộ lâu năm của ngành thuế cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, cơ quan thuế có chức năng khởi tố, điều tra vụ án, còn cơ quan thuế của Việt Nam không có chức năng này. Đây là một trong những hạn chế khiến công tác chống thất thu ngân sách nhà nước chưa được như mong muốn. Thêm vào đó, với lực lượng mỏng như hiện nay, đòi hỏi kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm trong lĩnh vực thuế với thủ đoạn ngày càng tinh vi cũng sẽ là thách thức lớn với ngành thuế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế: Nhiều khó khăn, thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.