Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công khai, minh bạch, hài hòa các lợi ích

Lương Ninh Giang| 05/06/2015 05:58

(HNM) - Trong khi người dân bức xúc vì việc các tuyến quốc lộ đang bị



Nhiều chuyên gia cho rằng, lợi ích từ các tuyến đường mới được đầu tư, nâng cấp là rất lớn. Người dân muốn đi đường tốt thì việc phải đóng phí là đương nhiên. Tuy nhiên, các ngành chức năng phải giải thích công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân.

Ảnh minh họa.


Bức xúc vì trạm thu phí BOT

Theo Bộ GT-VT, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công ngày càng hạn hẹp, nhiều dự án phải tạm dừng, giãn tiến độ thì Bộ GT-VT đã bước đầu thành công trong việc huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) để phát triển những dự án quan trọng, cấp bách. Đến nay, ngành GT-VT đã, đang thực hiện 68 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, trong đó, 20 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Bằng các nguồn vốn đầu tư ngoài NSNN, hàng nghìn kilômét đường bộ, trong đó có khoảng 700km đường cao tốc, các cầu quy mô lớn (như các cầu Cổ Chiên, Rạch Miễu, Việt Trì, Yên Lệnh...), Cảng hàng không T2 Nội Bài, Phú Quốc, Vinh… đã được đưa vào khai thác. Đặc biệt, các tuyến đường được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đã mang lại nhiều lợi ích như: Rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách; tiết kiệm nhiên liệu; giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện. Theo tính toán của cơ quan chức năng, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây giúp giảm khoảng 50% thời gian đi lại, 30% chi phí; Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại, 20% chi phí... cho người tham gia giao thông. Đó là chưa kể đến những lợi ích không thể định lượng được bằng tiền như giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường…

Cũng theo Bộ GT-VT, các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn đầu tư thì phải được thu phí hoàn vốn theo quy định. Trên các tuyến quốc lộ có 96 trạm đang thu phí và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cụ thể, có 45 trạm đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT, 51 trạm chưa thu phí, đã thống nhất ký hợp đồng BOT và sẽ thu phí cho các dự án BOT sau khi hoàn thành. Trong số 96 trạm, có 83 trạm do Bộ GT-VT ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT, 13 trạm do UBND các tỉnh ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT. Hiện, việc thu phí sử dụng đường bộ được thực hiện theo 2 phương thức: Thu theo đầu phương tiện do đơn vị đăng kiểm thực hiện và thu trực tiếp tại các trạm BOT do các nhà đầu tư BOT thực hiện.

Hiệu quả từ các dự án đầu tư, cải tạo hạ tầng giao thông là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhiều người dân bức xúc cho rằng, chủ trương đầu tư BOT đang bị lợi dụng, các tuyến quốc lộ bị "chặt khúc" để thu phí khiến người dân phải oằn mình chịu cảnh phí chồng phí. Nhiều tuyến quốc lộ, vị trí đặt trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70km như quy định, thậm chí nhiều trạm chỉ cách nhau khoảng 30km…

Đúng quy định, phù hợp với lợi ích

Khẳng định các trạm thu phí BOT tuân thủ đúng các quy định hiện hành, ông Đỗ Văn Quốc - Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GT-VT) cho biết: Theo quy định của Bộ Tài chính, trong trường hợp các trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70km thì Bộ GT-VT xin ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định. Trên thực tế, các dự án giao thông có nhiều điểm đặc thù như các dự án hầm, dự án các cầu thay thế cầu phao, dự án đường bộ đi qua các vùng đông dân cư thì chúng ta không thể áp dụng điều kiện đặt các trạm thu phí đáp ứng là 70km. Mặt khác, trong quá trình xem xét, phê duyệt các dự án BOT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã xem xét tính toán, phân tích rất kỹ các phương án đầu tư, nhất là phương án tài chính và tính thuận lợi của người tham gia giao thông, từ đó xem xét quyết định tính hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Việc tính toán mức thu phí phải dựa trên nhiều yếu tố như quy mô đầu tư của dự án, tổng mức đầu tư của dự án, tuy nhiên mức phí phải nằm trong khung mức thu phí của Bộ Tài chính.

Trước những thắc mắc việc thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện đã được triển khai, nhưng vẫn thu phí trên các trạm BOT liệu có phải là phí chồng phí, ông Đỗ Văn Quốc giải thích, việc triển khai đồng thời thu phí trên đầu phương tiện và thu phí ở các trạm thu phí BOT là hoàn toàn minh bạch, không có hiện tượng phí chồng phí. Phí thu trên đầu phương tiện chi cho quản lý hệ thống bảo trì đường quốc lộ, đường địa phương được đầu tư bằng vốn NSNN và nguồn thu này không dùng để hoàn vốn, bảo trì các dự án BOT. Còn phí thu được tại các trạm BOT dùng để hoàn vốn cho các nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng các dự án cũng như phục vụ công tác quản lý bảo trì trong giai đoạn thực hiện hợp đồng BOT.

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc người dân bức xúc vì một số trạm thu phí BOT quá gần nhau bởi trong nhận thức xã hội, quy định khoảng cách 70km tối thiểu là mang tính pháp lý. Nếu họ thấy thực tế khác với quy định đó thì việc họ bức xúc là chính đáng. Thực tế này cần các cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm giải trình đầy đủ, minh bạch với nhân dân. Chúng ta phải tạo điều kiện tốt nhất để tư nhân tham gia đầu tư vào giao thông. Nhưng tư nhân tham gia làm đường hưởng lợi, người sử dụng hạ tầng cũng phải được hưởng lợi. Khi đó, xã hội mới không bức xúc, đất nước mới phát triển bền vững được. Bà Bùi Thị An - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhấn mạnh: DN tư nhân bỏ vốn đầu tư thì phải tạo điều kiện để họ thu hồi vốn, nhưng cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ GT-VT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương lập quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm căn cứ triển khai đặt các trạm thu phí các dự án BOT trong thời gian tới; rà soát tổng thể các dự án BOT đã hoàn thành, đang triển khai và dự kiến sẽ triển khai; đánh giá tình hình thực hiện với từng trạm thu phí đang triển khai (về mức thu phí, khoảng cách giữa các trạm, kể cả các trạm không trên cùng một tuyến đường); những vướng mắc nảy sinh và đề xuất hướng giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-7.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công khai, minh bạch, hài hòa các lợi ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.