Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghề và làng nghề Hà Nội: Nhiều yếu kém cố hữu

Nguyễn Mai| 29/07/2015 06:20

(HNM) - Mặt bằng sản xuất chật hẹp, thiếu vốn, cơ sở hạ tầng làng nghề chưa đáp ứng yêu cầu, môi trường ô nhiễm đến mức trầm trọng ở nhiều nơi… là những tồn tại cố hữu nhiều năm qua ở các làng nghề song chậm được tháo gỡ.

Thực tế này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì và sự phát triển của làng nghề. Đây là những vấn đề được đưa ra luận bàn tại hội nghị: "Tổng kết 5 năm phát triển nghề và làng nghề thành phố giai đoạn 2010-2015, kế hoạch phát triển nghề và làng nghề thành phố giai đoạn 2016-2020" do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt chủ trì.

Học nghề thêu ở Quất Động, huyện Thường Tín. Ảnh: Thái Hiền



Làng nghề nhiều "tâm tư"

Hà Nội được mệnh danh là "đất trăm nghề". Các làng nghề ở Hà Nội phong phú, đa dạng, trong đó Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ là những địa phương có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời còn giữ được tốc độ phát triển mạnh. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng, thành phố có 1.350 làng có nghề (tăng thêm 70 làng so với năm 2010). Đặc biệt, từ năm 2012, thành phố có chủ trương cấy nghề cho các làng thuần nông (đến nay, đã cấy nghề cho 250 làng và đều duy trì tốt). Hiện thành phố đã công nhận 287 làng nghề theo tiêu chí (tăng 15 làng so với năm 2010). Các làng nghề hiện đang thu hút gần 740 nghìn lao động địa phương và kéo theo một số lượng lao động nhất định tham gia hoạt động thương mại - dịch vụ như giao thông vận tải, ăn uống, cung cấp nguyên liệu… Ở nhiều làng nghề phát triển, công nghiệp, tiểu - thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 75-80% cơ cấu kinh tế. Năm 2015, giá trị sản xuất của làng nghề đạt gần 14.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị, nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh, làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức) trăn trở: Cơ chế thị trường dẫn đến sự canh tranh không lành mạnh giữa các hộ sản xuất. Có hộ làm vội, làm ẩu, làm hàng kém chất lượng cung cấp ra thị trường làm ảnh hưởng đến thương hiệu của làng nghề. Bên cạnh đó, làng nghề còn gặp khó khăn liên quan mặt bằng. Các hộ sản xuất ngay tại gia đình nên muốn mở rộng sản xuất cũng khó. Đó là chưa kể đến ô nhiễm môi trường bởi sơn, bụi. Cùng chung tâm tư, nghệ nhân Trần Đức Ân, làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm), bày tỏ: Ở Bát Tràng, nhu cầu mặt bằng sản xuất của mỗi hộ cần khoảng 500m2, mỗi doanh nghiệp cần 2.000m2 nhưng hiện nay, trung bình mỗi hộ mới có 200m2 và mỗi doanh nghiệp từ 500-700m2 nên khó có thể mở rộng quy mô sản xuất. Hiện các hộ mong nhất là được Nhà nước tạo điều kiện bố trí cho điểm sản xuất tập trung xa khu dân cư để có điều kiện phát triển bền vững.

Khác với các làng nghề trên, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh, làng nghề mây, giang đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ), lại tâm tư: Thợ tay nghề cao đạt đến trình độ nghệ nhân, thợ giỏi ở làng thì không thiếu. Tuy nhiên, nghệ nhân thì chỉ có đôi tay tài hoa, khéo léo chứ rất ít người hội tụ đủ các yếu tố như có vốn, kiến thức về quản trị kinh doanh, có đầu ra ổn định… Chính vì vậy, khi mở rộng sản xuất, thành lập công ty, doanh nghiệp, thậm chí là xưởng sản xuất cũng là cả một áp lực lớn đối với người làm nghề.

Các hội, hiệp hội đóng vai trò quan trọng

Thừa nhận những yếu kém của các làng nghề, ông Thắng cho rằng dù lực lượng lao động tại các làng nghề khá hùng hậu song chất lượng nguồn lao động chưa cao; 70% các chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chưa được trang bị kiến thức về quản trị doanh nghiệp và chính sách liên quan đến sản xuất - kinh doanh. Rất ít làng nghề có đổi mới trang thiết bị (do thiếu vốn) nên chất lượng sản phẩm chưa được nâng cao. Công tác xử lý ô nhiễm môi trường còn bất cập do các làng nghề đều sản xuất trong khu dân cư nên việc thu gom và xử lý chất thải khó khăn… Điều này đặt ra yêu cầu kế hoạch phát triển nghề và làng nghề thành phố đoạn 2016-2020 phải tiếp tục tháo gỡ.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt đề nghị trong giai đoạn tới, cần tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch làng nghề của thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tổ chức liên kết các doanh nghiệp, hộ gia đình trong sản xuất làng nghề, phát triển các HTX làng nghề để nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng thương hiệu làng nghề. Tuyệt đối tránh và hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá thành bằng việc cung cấp ra thị trường sản phẩm kém chất lượng làm giảm uy tín của làng nghề. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội, hiệp hội để nơi đây thực sự là một tổ chức có vai trò lãnh đạo và tư vấn giúp đỡ, hỗ trợ các hội viên liên kết sản xuất. Sở Công thương cần tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước, giám sát các làng nghề, có đề xuất, báo cáo thành phố kịp thời các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ khó khăn, củng cố và phát triển làng nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề và làng nghề Hà Nội: Nhiều yếu kém cố hữu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.