Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều kẽ hở trong quản lý công sản

Hương Ly| 29/07/2015 06:36

(HNM) - Tại cuộc họp báo chuyên đề về quản lý tài sản nhà nước (TSNN) chiều 28-7, đại diện Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, những quy định về quản lý, sử dụng TSNN vẫn còn nhiều kẽ hở khiến sai phạm có nhiều cơ hội nảy sinh.



Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2014, tổng nguyên giá TSNN của cả nước là 999.692,08 tỷ đồng. Mặc dù thời gian qua, chính sách quản lý TSNN đã liên tục được sửa đổi cho phù hợp với thực tế song những sai phạm lớn về quản lý TSNN vẫn được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ rõ trong báo cáo kiểm toán công bố hằng năm.

Việc quản lý tài sản của Nhà nước, trong đó có xe công, còn nhiều kẽ hở.


Vẫn xảy ra lãng phí, sử dụng sai mục đích

Có 4 loại TSNN có giá trị lớn gồm đất, nhà, ô tô, tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thuộc diện được quản lý. Tổng giá trị các tài sản này (chưa gồm tài sản tại các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước) lên tới 999.692,08 tỷ đồng. Trong số khối TSNN do các đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, tài sản nhà là 16.855 cái với tổng nguyên giá 165.610,73 tỷ đồng; tài sản đất là 75.010 khuôn viên với tổng giá trị là 482.158,71 tỷ đồng; tài sản là ô tô có 15.651 xe với tổng nguyên giá là 7.752,34 tỷ đồng và 17.294 tài sản khác với tổng nguyên giá 35.077,57 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đánh giá, thời gian qua, những văn bản quy phạm pháp luật về quản lý TSNN đã thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về cơ chế giao vốn cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và cho phép các đơn vị này được sử dụng TSNN vào mục đích kinh doanh. Nhưng các đơn vị phải bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý TSNN, khai thác hiệu quả nguồn lực có sẵn từ TSNN gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển dịch vụ công. Quá trình thực hiện chủ trương này đã giúp các đơn vị nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu nhập cho người lao động, tăng tự chủ về mặt tài chính và đóng góp một phần vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, quá trình thực hiện quản lý TSNN cũng bộc lộ không ít hạn chế, đơn cử: Một số tiêu chí xác định đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện để được Nhà nước xác định giá trị tài sản và giao cho đơn vị quản lý còn nhiều bất cập, như phải có đề án sử dụng tài sản, phải cam kết không bổ sung kinh phí từ NSNN… khiến các đơn vị được giao tài sản dễ nảy sinh tâm lý e ngại. Việc xác định giá trị tài sản để giao vốn, nhất là giá trị quyền sử dụng đất còn phức tạp do phải xác định giá đất cụ thể theo thị trường khiến tốn nhiều thời gian, chi phí… Những tồn tại này khiến kết quả thực hiện việc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính chưa cao. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, đến nay mới có 579 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được giao vốn theo cơ chế giao vốn cho DN.

Đặc biệt, việc quản lý TSNN vẫn để xảy ra lãng phí, sử dụng sai mục đích. Tại báo cáo do KTNN thực hiện và công bố hằng năm, sai phạm về quản lý đất đai, tài sản công liên tục được nêu. Kiểm toán năm 2014 do KTNN vừa công bố cho thấy, một số DNNN chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý, sử dụng không hiệu quả, bị lấn chiếm, tranh chấp, thậm chí có trường hợp chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính...

Linh động với những trường hợp cụ thể

Tại buổi họp báo chiều 28-7, các cơ quan báo chí đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc nâng cao hiệu quả của công tác quản lý TSNN. Trả lời câu hỏi của PV Báo Hànộimới về việc sai phạm về quản lý TSNN, đặc biệt là quản lý nhà, đất công diễn ra liên tục hằng năm với mức độ sai phạm lớn phải chăng do chế tài xử phạt quá nhẹ(?), ông Vũ Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản cho biết: Trên thực tế, việc xử lý sai phạm trong lĩnh vực này không phải quá nhẹ, bởi đơn vị nào sai đến đâu sẽ xử lý tới đó theo đúng luật định về quản lý TSNN đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những kẽ hở pháp lý trong hoạt động quản lý TSNN. Một số đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở này để thực hiện những hành vi sai phạm, gây thất thoát, lãng phí một lượng lớn TSNN.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức rà soát việc quản lý, sử dụng TSNN và phát hiện nhiều sai phạm. Sau đợt rà soát, kiểm tra nhà, đất công trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong tháng 7 và tháng 8-2015, Bộ sẽ kiểm tra tại Hà Nội. Bên cạnh việc rà soát, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng TSNN, đoàn kiểm tra sẽ xem xét việc khắc phục sai phạm tại những đơn vị trước đó đã phát sinh vi phạm trong lĩnh vực này.

Liên quan quy định cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ về tài chính được phép cho thuê nhà, đất là TSNN theo hướng linh động hơn, ông Vũ Đức Thắng cho biết, để tạo điều kiện cho các đơn vị được thụ hưởng chính sách này, ngành chức năng sẽ rút ngắn các thủ tục cần thiết cũng như xem xét theo từng trường hợp cụ thể để đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi trên thực tế, nhiều đơn vị hoàn toàn được Nhà nước bao cấp như các trường tiểu học, trung học cơ sở. Nhưng, vào buổi tối, các phòng học không sử dụng nên có thể xem xét cho phép các trường học cho thuê để dạy ngoại ngữ và các hoạt động ngoại khóa. Mặc dù quy định hiện tại là cấm, nhưng nhiều trường vẫn cho thuê. Để khắc phục, tới đây sẽ xem xét, cho phép những đơn vị này cho thuê cơ sở, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ TSNN vừa góp phần cải thiện đời sống của CBCNV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều kẽ hở trong quản lý công sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.