Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu phí bảo trì đường bộ với xe máy: Thêm gánh nặng cho dân!

Nguyễn Lê - Hà Tuấn| 31/07/2015 07:16

(HNM) - Tại kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa VIII, dù nhiều đại biểu HĐND, thậm chí cả đại diện quận duy nhất của thành phố thực hiện thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy cũng đề nghị bỏ thu thì Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu quan điểm:

Tại kỳ họp thứ 18, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã gây bất ngờ cho nhiều đại biểu khi khẳng định: "Cần vận động người dân để thu một cách hợp lý, công khai, không để phát sinh tiêu cực. Trong tình thế này, phải bàn giải pháp nào để thu tốt và sử dụng cho có hiệu quả". Bất ngờ bởi trước đó, với tư cách là đại biểu Quốc hội, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII vừa qua, trong nghị trường cũng như tranh luận bên hành lang với Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng, bà Tâm nêu quan điểm cần bỏ thu phí đường bộ với xe máy vì không hợp lý và nếu buộc phải thu, TP Hồ Chí Minh sẽ thu 0 đồng. Chỉ hơn một tháng sau, lý giải nguyên nhân phải thu, bà Tâm cho rằng, nếu HĐND thành phố có thẩm quyền thì HĐND sẽ đưa ra quyết định là không thu loại phí này. Tuy nhiên, HĐND vẫn phải ra nghị quyết chấp hành nghị định của Chính phủ vì đây là chấp hành pháp luật.

TP Hồ Chí Minh chủ trương thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy trong khi Bộ GT-VT đề xuất dừng thu phí trên phạm vi cả nước.



Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Đua cho rằng, thành phố phải có cách làm như thế nào để phù hợp trong từng giai đoạn, tránh tình trạng cào bằng. Theo ông Đua, thu đúng mục đích, đúng đối tượng, sử dụng cho đúng là cần thiết. Vấn đề còn lại là công khai minh bạch nguồn thu, đồng thời phải giám sát chặt chẽ khâu thực hiện. Trong khi đó, phần lớn đại biểu HĐND thành phố lại phản đối việc thu khoản phí này. Đại biểu Văn Đức Mười nêu quan điểm, khi tiếp xúc cử tri, hầu hết nhân dân đều bức xúc và không đồng tình về khoản thu này. Nhiều đại biểu khác cho rằng, nếu kỳ họp lần này thông qua việc thu phí xe máy thì các đại biểu HĐND với tư cách là người đại diện tiếng nói, nguyện vọng của cử tri sẽ không biết giải thích như thế nào đối với nhân dân thành phố.

Đáng lưu ý nhất là ý kiến của Chủ tịch UBND Quận 9 Đặng Thị Hồng Liên, đơn vị đầu tiên của thành phố thu phí xe máy. Theo bà Liên, qua thực tế triển khai, toàn quận có khoảng 84.000 xe cần kê khai nhưng chỉ có 43.700 xe nộp bản kê khai. Ban đầu quận tổ chức thu tại phường, sau đó gặp khó khăn nên lập tổ công tác thu tại khu phố, thu vào ngày nghỉ. Trong vòng gần một tháng Quận 9 thu được khoảng 1,2 tỷ đồng của 13.000 xe, chiếm khoảng 17% số phương tiện trên địa bàn thì tạm ngưng để đợi ý kiến chỉ đạo của thành phố. "Từ thực tế triển khai ở địa phương, tôi cho rằng nếu bây giờ chúng ta thu trở lại thì rất khó. Thu phí mà có người đóng, người không đóng thì không công bằng. Tôi đề nghị không thu trong năm 2015. Quận 9 xin phép được hoàn trả lại cho người dân 1,2 tỷ đồng đã thu" - bà Liên dứt khoát.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Lâm Đình Chiến thẳng thắn: "Cả nước đề nghị dừng thu phí mà UBND TP Hồ Chí Minh lại đề nghị thu. Việc thu thêm phí là gánh nặng cho dân. Bản thân tôi cũng muốn ngưng, vì nguồn thu phí đó không phải là nguồn thu chủ yếu để bảo đảm việc duy tu hạ tầng. Giờ dân kêu quá nhiều rồi, không nên thu nữa".

Muốn thu cũng không dễ

Nhiều đại biểu cho rằng, nguồn thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy rất nhỏ và khó quản lý. Trong khi đó, khoản thu chưa chắc đã bù chi. Cụ thể, theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về thu phí xe máy thì số lượng xe gắn máy trên địa bàn thành phố khoảng gần 7 triệu chiếc. Nếu thu được toàn bộ thì tổng số tiền đạt được khoảng trên 300 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí bồi dưỡng cho các đơn vị thu thì nguồn thu còn lại khoảng hơn 200 tỷ đồng/năm (nếu thu được 100% xe đã kê khai). Tuy nhiên, do lần đầu tiên triển khai nên các địa phương chưa có kinh nghiệm và dự kiến sẽ có phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Số lượng xe thực tế sai khác nhiều so với hồ sơ quản lý của địa phương nên nguồn kinh phí thu được từ xe máy sẽ có sự khác biệt với số liệu khái toán. Tỷ lệ thu phụ thuộc vào nhiều yếu tố chưa thể lường trước được. Do đó, thực tế kinh phí thu được sẽ khó đạt được theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua quy định mức thu 0 đồng thì thành phố vẫn phải tiến hành thu và khi đó kéo theo cả bộ máy chuyên môn làm việc, trong khi ngân sách thành phố vẫn phải chi trả lương và các chế độ liên quan. Đáng nói, chi phí phục vụ cho việc thu phí trên rất lớn, đơn cử chỉ tính riêng tiền mua biên lai dự kiến một năm mất khoảng 1 tỷ đồng. Mặt khác, khi TP Hồ Chí Minh ban hành mức thu phí trên sẽ ảnh hưởng đến tình hình triển khai thu, nộp phí tại 62 tỉnh, thành còn lại trên toàn quốc, bởi người dân các tỉnh, thành khác sẽ có sự so sánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu phí bảo trì đường bộ với xe máy: Thêm gánh nặng cho dân!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.