Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi thông dòng chảy hàng Việt

Anh Minh| 03/08/2015 06:21

(HNM) - Làm sao mang hàng hóa chất lượng tốt, giá hợp lý về nông thôn lồng ghép với đẩy mạnh tiêu thụ hàng do doanh nghiệp (DN)


Thời gian qua, Bộ Công thương và các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin về cuộc vận động (CVĐ) nói trên. Do đó, ngày càng có nhiều DN tự nguyện trở thành khách hàng, ưu tiên mua, sử dụng nguyên liệu, vật tư của nhau, tạo ra thói quen gắn kết giữa các đơn vị, đạt mục đích là hai bên cùng có lợi, góp phần giảm mức nhập siêu cho nền kinh tế. Đặc biệt, một số loại nông sản vào chính vụ, cho sản lượng lớn đã nhận được sự hỗ trợ và tiêu thụ đáng kể trong thời gian gần đây, được dư luận ghi nhận tích cực.

Tính chung, 6 tháng đầu năm nay, các DN đã tổ chức 101 đợt bán hàng về nông thôn, với 1.355 lượt DN tham gia, mang lại doanh thu hơn 8.000 tỷ đồng. Nhiều đơn vị cũng chủ động liên kết, khai thác nguồn hàng đối lưu, đưa hàng về các khu công nghiệp, cụm dân cư và thu được hiệu quả đáng khích lệ. Quan trọng hơn là qua đó hàng hóa trong nước có dịp khẳng định chất lượng của mình để đứng vững trên thị trường.

Hàng Việt đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước. Ảnh: Hải Anh


Để CVĐ đạt hiệu quả cao nhất, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, kịp thời nhân rộng những điển hình, đơn vị triển khai tốt chương trình. Từ đó đưa ý nghĩa của CVĐ lan tỏa, phát triển trên diện rộng và sâu sắc hơn, tất cả nhằm thay đổi nhận thức, hành vi mua sắm của từng người dân, DN mỗi khi có nhu cầu theo đúng tinh thần "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"… Trong đó, riêng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, thực hiện một số chương trình kế hoạch cụ thể, có tính chất dài hơi, tập trung vào mục đích của CVĐ là hỗ trợ, khơi thông "dòng chảy" hàng Việt.

Về phía DN, nhiều đơn vị đã chủ động, đang cố gắng quảng bá thương hiệu, lấy chất lượng hàng hóa là nhiệm vụ ưu tiên để chiếm lĩnh thị phần. Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc siêu thị Tứ Sơn cho biết, DN vẫn thường xuyên đưa hàng về bán tại các huyện, xã trên địa bàn tỉnh An Giang và bước đầu mở rộng sang các tỉnh lân cận. Cụ thể, đơn vị này bố trí ô tô tập kết hàng tới một địa điểm đã được thỏa thuận với một địa phương, chủ yếu gồm các loại hàng tiêu dùng, gần với đời sống dân sinh, hợp túi tiền bà con như dầu ăn, quần áo, đồ gia dụng, xà phòng… và bán với giá hợp lý sau đó phân phối trực tiếp đến tay người dân. Đến nay, hình thức kinh doanh này vẫn đang phát huy hiệu quả, vì nó tạo ra điều kiện cung ứng nhiều mặt hàng khác nhau, phù hợp với nhu cầu của hầu hết các gia đình khi thỏa mãn được tâm lý vừa đi xem hàng, vừa mua nhiều loại hàng tại cùng một địa điểm.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam cho biết, các đơn vị thành viên rất nhiệt tình hưởng ứng CVĐ, sẵn sàng đưa hàng về khu vực nông thôn và miền núi. Một số DN thành viên đã đầu tư, xây dựng cửa hàng, siêu thị chuyên bán mặt hàng này nhằm mở rộng thị trường và nâng cao doanh thu. Bên cạnh đó, DN cũng mong muốn ngành chức năng, nhất là ở cấp địa phương làm tốt công tác quản lý thị trường để phòng chống nạn hàng giả, hàng nhái. Làm được như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu bảo vệ DN chân chính cũng như quyền lợi người tiêu dùng, góp phần duy trì sự lành mạnh trên thị trường. Về phía DN, mỗi đơn vị cần cải thiện chất lượng hàng hóa, tập trung sáng tạo mẫu mã sản phẩm và nâng cao kỹ năng của đội ngũ nhân viên bán hàng. Như vậy, hàng Việt sẽ tiếp tục "lên ngôi" khi có thể cạnh tranh bằng chất lượng và giá thành sản phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông dòng chảy hàng Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.