Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách nào ngăn chặn hàng giả đội lốt hàng Việt?

Thanh Hiền| 23/09/2015 07:31

(HNM) - Lợi dụng xu hướng người tiêu dùng (NTD) trong nước ngày càng ưa chuộng hàng Việt, thời gian qua trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng gắn mác


Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (BCĐ 389), nguy cơ hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc về Việt Nam qua các cửa khẩu phía Bắc ngày một nhiều, với các thủ đoạn buôn bán, vận chuyển ngày càng tinh vi. Hàng hóa Trung Quốc mang nhãn mác Việt Nam giờ không còn là hiện tượng nhỏ lẻ, bộc phát, mà đang là một trào lưu đáng lo ngại đối với sự phát triển của các DN có thương hiệu.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) thu giữ hàng giả, hàng nhái, đồ chơi độc hại.Ảnh: kim liên


Hàng giả, hàng nhái khá phổ biến, từ những mặt hàng rất thông dụng, như: Thời trang, mỹ phẩm, túi xách hàng hiệu… đến những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng (NTD) như dược phẩm, thực phẩm chức năng… Thậm chí, những mặt hàng đòi hỏi dây chuyền sản xuất quy mô lớn, hiện đại, chuyên dụng như phụ tùng ô tô, đầu DVD và cả dây cáp điện cũng bị làm giả tràn lan... đã cho thấy mức độ đáng báo động của vấn nạn này.

Đặc biệt, xu hướng hàng Trung Quốc gắn mác giả hàng Việt không suy giảm mà còn gia tăng do có sự cấu kết của các cá nhân, tổ chức từ Việt Nam, khiến các lực lượng chống buôn lậu, truy quét hàng giả gặp nhiều khó khăn. Điển hình như mới đây, lực lượng chức năng Hà Nội đã bắt tạm giam Nguyễn Huy Thọ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Đối tượng này khai báo sang Trung Quốc đặt sản xuất các loại bếp từ, bếp điện từ, bếp điện hồng ngoại, lò vi sóng… mang thương hiệu "Romal", "Kucy" của Italia, Đức và Malaysia… để bán với mức giá cao gấp 5 lần giá nhập từ Trung Quốc. Trước đó, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hơn 6.076 ván gỗ sàn được làm giả hàng nhập khẩu từ Đức, nhưng có nguồn gốc từ Trung Quốc và 2.500 tem nhãn giả.

Thậm chí, hàng hóa có thể bị làm giả xuất xứ Việt Nam để vào các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế. Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh, sự tồn tại và phát triển của DN trong nước. Theo thống kê của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, không ít DN giật mình khi lượng hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguồn gốc từ nước ngoài chiếm đến hơn 60% và trong nước chỉ hơn 30%. Các nhãn hiệu bị làm nhái hoặc bị xâm phạm quyền sở hữu đều được ưa chuộng ở thị trường nước ngoài như bánh phồng tôm Sa Giang, giày dép Biti's, kẹo dừa Bến Tre, mỹ phẩm và nhiều sản phẩm tiêu dùng khác.

Hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại đối với NTD khi mua phải hàng chất lượng kém, giá cao, không được bảo hành, mà còn phá hoại sự phát triển của DN sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến quyền lợi quốc gia. Điều này rất nguy hiểm nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Đơn cử như trường hợp sản phẩm săm, lốp các loại của Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) từ lâu nay đã có uy tín trên thị trường. Tuy nhiên hiện nay, một số DN Trung Quốc đã làm giả săm, lốp xe Casumina với số lượng lớn, xuất bán sang nước thứ ba, thậm chí đưa sang Việt Nam bán phá giá với mức giá chỉ bằng một nửa của Casumina. Đây là thủ đoạn nguy hiểm, gây thiệt hại về mọi mặt cho Casumina vì săm, lốp xe giả của Trung Quốc có chất lượng kém do được làm từ cao su tái sinh.

Để bảo vệ các sản phẩm thương hiệu Việt Nam, mới đây Bộ Công thương đã triển khai chương trình "Tuần nhận diện hàng Việt 2015 - Tự hào hàng Việt" với nhiều hoạt động xuyên suốt diễn ra từ nay đến tháng 10-2015, nhằm giúp NTD biết đến các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ uy tín. Mặt khác, BCĐ 389 đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan, quản lý thị trường, công an… phải tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin nhằm ngăn chặn hàng hóa giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước mà Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do.

Về lâu dài, DN phải có biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm, kênh phân phối, giá bán…; có phòng pháp chế, luật sư riêng cũng như đội ngũ khảo sát thị trường nhằm phát hiện sớm các sản phẩm nhái hàng hóa của mình để phản ánh với cơ quan chức năng; tham gia vào các hiệp hội, như Hiệp hội Bảo vệ NTD, Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu… nhằm tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các hiệp hội và Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nào ngăn chặn hàng giả đội lốt hàng Việt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.