Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn còn cách hiểu và vận dụng chính sách khác nhau

Anh Minh| 05/10/2015 06:24

(HNM) - Thời gian gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát, phân loại các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, từ đó kiến nghị Chính phủ cho phép bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp.



Đây là việc làm tối cần thiết cũng như đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền tự do kinh doanh của DN trên tinh thần "DN được làm những gì pháp luật không cấm". Thực tế cho thấy, hàng loạt quy định cũ bắt buộc DN phải đáp ứng về điều kiện kinh doanh đã tự động hết hiệu lực ngay khi Luật DN và Luật Đầu tư có hiệu lực (từ ngày 1-7-2015).

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Viết Thành


Đến nay, đã có 98% DN thực hiện khai thuế điện tử ổn định. Tổng cục Thuế đã phối hợp với 33 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Đã có 84% DN đăng ký nộp thuế điện tử và 71,3% DN thực hiện nộp thuế điện tử. Một số ngành liên quan khác cũng có nhiều nỗ lực, biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu số quy định, thủ tục giấy tờ và thời gian thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước của DN. Cũng nhờ đó, giới đầu tư quốc tế đang thể hiện rõ ý định gia tăng đầu tư vào Việt Nam, hướng tới việc tìm kiếm lợi nhuận trong trung và dài hạn. Điều này cũng lý giải vì sao kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 9 tháng qua đạt hơn 17 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái - là điểm nhấn của nền kinh tế. Tình hình trong nước cũng thể hiện rõ sự tiến bộ về môi trường kinh doanh, tìm được sự quan tâm và đồng thuận của cộng đồng DN. Cụ thể, riêng số liệu về DN mới thành lập đã ghi nhận sự ra đời của 68.347 đơn vị, với số vốn đầu tư hơn 420 nghìn tỷ đồng; tức tăng 28,5% về số DN và tăng hơn 31% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Niềm tin vào thị trường của các nhà công thương được tiếp sức, gia tăng và nền kinh tế đang phục hồi ngày càng rõ nét hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ, mục tiêu và biện pháp chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến các DN. Theo nhận định của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, kết quả và thực tiễn cải cách hành chính nhìn chung chưa đáp ứng hết mong muốn của DN đã đặt ra. Nguyên nhân là bởi một số chính sách thay đổi, nhưng không đồng bộ, cách hiểu và vận dụng khác nhau giữa các cơ quan chức năng, việc ứng dụng công nghệ thông tin chậm hơn so với thay đổi của chính sách… Ở một khía cạnh khác, theo quy định, định kỳ hằng quý các bộ, cơ quan và địa phương phải gửi báo cáo đánh giá tình hình cải thiện môi trường kinh doanh về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bộ này tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Nhưng đến cuối tháng 9-2015, bộ này mới nhận được báo cáo của 4 bộ và 3 địa phương.

Từ diễn biến nêu trên có thể thấy, việc cải thiện môi trường kinh doanh của DN chưa đạt kết quả như mong muốn. Đơn cử, phản hồi của DN cho biết, thời gian nộp thuế chưa giảm nhiều như tính toán của cơ quan chức năng (giảm 420 giờ) mà thực tế chỉ giảm được khoảng 110 giờ. Ở đây có vấn đề "vênh" nhau trong cách đánh giá. Chưa kể, vẫn còn tình trạng chậm hoàn thuế, thiếu cơ chế liên thông về đăng ký và nộp thuế giữa các cơ quan. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng xuất khẩu xuống 13 ngày và hàng nhập khẩu 14 ngày đến hết năm 2015 rất khó thành hiện thực, chủ yếu do các thủ tục chuyên ngành đối với hàng xuất nhập khẩu chưa cải thiện nhanh như dự tính. Ngoài ra, một số DN cũng còn tâm lý thiếu tin tưởng vào hiệu quả cải cách hành chính, thậm chí vẫn thực hiện theo quy định cũ như một thói quen trong khi hiện có không ít thủ tục đã được cắt bỏ...

Tóm lại, việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN là chặng đường dài, không dễ dàng mặc dù đang và sẽ diễn ra theo hướng tích cực hơn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn cách hiểu và vận dụng chính sách khác nhau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.