Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung gỡ khó sau dồn điền, đổi thửa

Chu Phú Mỹ| 08/10/2015 06:32

(HNM) - Hôm nay 8-10, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, Báo Hànộimới, Huyện ủy Đông Anh phối hợp tổ chức tọa đàm



Cuộc tọa đàm được tường thuật trực tuyến trên Báo Hànộimới Điện tử.

Những ý kiến thắc mắc, kiến nghị của đại diện các địa phương sẽ được các sở, ngành hướng dẫn, giải đáp và tiếp thu để có đề xuất với thành phố đưa ra điều chỉnh phù hợp với thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô.

Thực hiện tốt việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng


Định hình dáng vóc nông nghiệp hiện đại

Những năm vừa qua, nông nghiệp Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, thu được những thành tựu đáng ghi nhận. Xác định "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân" là khâu đột phá, Hà Nội đã phát động và triển khai thực hiện DĐĐT với quyết tâm và khí thế mạnh mẽ. Với những nỗ lực cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố tới cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận của đại bộ phận người dân, 3 năm qua, thành phố đã thực hiện DĐĐT được hơn 76.550ha, bằng 100,19% kế hoạch. Có thể nói, DĐĐT, tích tụ ruộng đất đã tạo bức tranh đẹp cho nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, chuyên canh quy mô lớn, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước phân công lao động trong từng địa phương, tạo việc làm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất...

Qua DĐĐT, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch lại, hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương tưới tiêu được điều chỉnh phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Cũng từ DĐĐT, diện tích đất sản xuất nông nghiệp dôi dư do phá vỡ bờ vùng, bờ thửa, diện tích trước đây giao không đúng quy định (gần 1.774ha) được đưa vào quỹ đất công của địa phương để quy hoạch phục vụ xây dựng NTM.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác DĐĐT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, cơ giới hóa sản xuất nhằm nâng cao giá trị đất canh tác... Tuy nhiên sau DĐĐT, do nhiều nguyên nhân, hiệu quả của việc tổ chức sản xuất ở hầu hết các địa phương chưa như mong muốn, chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Thủ đô.

Sau DĐĐT, Hà Nội đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh bền vững tạo khối lượng sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên địa bàn thành phố đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất tập trung, quy mô lớn, năng suất, chất lượng cao như mô hình hoa, cây cảnh ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Thạch Thất, Thường Tín... cho giá trị thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm, thậm chí 2,5 - 3 tỷ đồng/ha/năm; mô hình cây ăn quả ở một số xã thuộc huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức… giá trị thu nhập 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm. Nhiều địa phương từ DĐĐT, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả hình thành nhiều trang trại lớn. Huyện Phúc Thọ đã thử nghiệm thành công mô hình trồng su hào an toàn trái vụ, huyện Phú Xuyên thử nghiệm thành công mô hình măng tây... đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Nông nghiệp Hà Nội đang tạo ra bước chuyển mạnh mẽ, quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngày càng hiệu quả, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng bền vững…

Những khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ

Định hướng những năm tiếp theo, nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững… Để thực hiện những mục tiêu trên cần có những giải pháp phù hợp, mang tính khả thi cao để tháo gỡ những khó khăn mà các địa phương của Hà Nội đang phải đối mặt.

Hiện nay, nông nghiệp Thủ đô đang gặp phải không ít thách thức như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm, chưa vững chắc, chất lượng sản phẩm còn hạn chế, chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn; công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, việc thực hiện chính sách cơ giới hóa còn hạn chế; công tác tuyên truyền về xây dựng NTM ở một số cơ sở còn hạn chế, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, phương pháp xây dựng NTM. Đặc biệt, nguồn lực chủ yếu tập trung vào các tiêu chí xây dựng hạ tầng cơ sở, chưa chú ý đến các tiêu chí khác và chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện DĐĐT của cán bộ một số xã, thôn còn hạn chế, cán bộ còn ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm, nhân dân chưa thấy hết ích lợi của công tác DĐĐT, do đó hiệu quả thực hiện ở một số nơi còn chưa bảo đảm kế hoạch đề ra…

Để nông nghiệp Hà Nội phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, cần thực hiện một số giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cụ thể hóa bằng việc ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án, dự án cụ thể; tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia sản xuất đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội; hợp đồng chế biến bao tiêu sản phẩm cho nông dân… UBND thành phố cần chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, bổ sung sửa đổi các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng NTM theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, tăng cường phân cấp thực hiện cho huyện và xã; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách cho các dự án phát triển sản xuất sau DĐĐT; cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, phân công lao động hợp lý theo hướng chuyên canh, chuyên vùng… Đây chính là những động lực tạo sự phát triển toàn diện và vững chắc cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Nội.

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Quang:
Bám sát thực tiễn để có lộ trình hợp lý

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Quang.

Xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu của phát triển bền vững; là nhiệm vụ cấp bách có tầm chiến lược, mang tính nhân văn sâu sắc, đồng thời cũng là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài đối với cấp ủy, chính quyền các cấp. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả chương trình, cần có lộ trình hợp lý, tiến hành từng bước phù hợp.

Với Đông Anh, bên cạnh việc ban hành các chương trình, nghị quyết, đề án, kế hoạch để chỉ đạo chung, huyện còn định hướng, hướng dẫn cho cơ sở tùy tình hình thực tiễn địa bàn, phân chia thành các nhóm tiêu chí, nhóm công việc để ưu tiên thực hiện. Thứ nhất, ưu tiên cho các tiêu chí dễ, cần ít kinh phí làm trước để tạo khí thế, tiền đề. Thứ hai, tập trung vào đầu tư hạ tầng, trong đó tập trung đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn nhằm tranh thủ cơ chế hỗ trợ của thành phố, sự đóng góp của nhân dân, đồng thời lấy đó làm cú huých để kích thích phong trào. Thứ ba, triển khai đồng bộ các giải pháp tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nông dân.

Với những hướng ưu tiên trên, sau gần 5 năm thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của huyện đã có nhiều khởi sắc: Đến nay đã có 12 xã đạt chuẩn và 6 xã đang chờ thành phố công nhận đạt chuẩn; các chỉ tiêu quan trọng không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo thấp (chỉ còn 1,18%); 74% thôn làng đạt chuẩn văn hóa, 88% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; thu nhập bình quân đầu người gần 30 triệu đồng/năm; hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm được cải tạo, nâng cấp đạt chuẩn; an ninh, chính trị được giữ vững... Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình tiên tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật được hình thành và mở rộng như: Vùng sản xuất nếp cái hoa vàng gần 800ha; vùng sản xuất rau an toàn gần 1.000ha, lớn nhất thành phố; ứng dụng có hiệu quả mô hình cấy máy mạ khay, là một trong những huyện đứng đầu thành phố về phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP (đã có 6 mô hình được công nhận).

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân” của huyện Đông Anh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể: Kết quả thực hiện chưa đồng đều giữa các xã, hiện vẫn còn 5/23 xã chưa đạt chuẩn; 2/3 diện tích đất sản xuất nông nghiệp nằm trong vùng phát triển đô thị, công nghiệp tới đây, nên việc chuyển đổi nghề, tạo sự ổn định cho đời sống của nông dân ở các khu vực này hết sức khó khăn. Đáng lưu ý, việc duy trì, nâng cao một số tiêu chí như: Môi trường, an ninh trật tự sẽ gặp rất nhiều khó khăn do việc phát triển đô thị, công nghiệp... Thực tế này đòi hỏi cần tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của thành phố và các sở, ngành; sự chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị trong và ngoài thành phố.

Từ những khó khăn ở cơ sở, buổi tọa đàm “Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất sau dồn điền, đổi thửa, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng NTM Hà Nội” diễn ra hôm nay (8-10) sẽ giúp các địa phương, sở, ngành cùng bàn bạc, tìm ra giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình xây dựng NTM, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân Thủ đô là việc làm thiết thực...

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh:
Thiếu vốn và khó tích tụ ruộng đất

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh.

Thực hiện Chương trình 02/CT-TU về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân", đến hết năm 2014, huyện Thường Tín đã có 6 xã hoàn thành xây dựng NTM. Năm 2015, huyện phấn đấu có thêm 5 xã về đích xây dựng NTM. Xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng phát triển nhanh, mạnh và bền vững trên cơ sở ổn định đời sống nông dân, huyện rất quan tâm đến công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, Thường Tín đã DĐĐT được 4.391,5ha, đạt 102,08% kế hoạch thành phố giao, tạo thuận lợi cho đầu tư thâm canh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác. Thông qua công tác DĐĐT, hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất cơ bản được hoàn thiện…

Điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp của huyện là đã chuyển đổi được hơn 970ha với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao, trong đó diện tích trồng rau an toàn đạt 165,54ha; hoa, cây cảnh 79,21ha; chăn nuôi, thủy sản 554,8ha; trang trại tổng hợp 42,74ha… Cùng với đó, huyện còn tập trung áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch sản phẩm, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm… Năm 2015, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của huyện đạt 125 triệu đồng/ha, tăng 29% so với năm 2010…

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển sản xuất sau DĐĐT trên địa bàn huyện gặp phải một số khó khăn như: Các mô hình sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn chưa nhiều do khó tích tụ ruộng đất; sản xuất chưa gắn chặt với bảo vệ môi trường và phát triển chưa bền vững. Đặc biệt, Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về "Quản lý, sử dụng đất trồng lúa" chưa có hướng dẫn cụ thể nên một số hộ nông dân tự nguyện nhận diện tích đất xấu, ruộng trũng, xa khu dân cư, khó canh tác chuyển sang mô hình sản xuất hiệu quả gặp khó khăn. Mặt khác, nông dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư vào nông nghiệp do không có tài sản tín chấp hoặc thủ tục vay vốn rườm rà, phức tạp… Mối liên kết "bốn nhà" mới chỉ dừng ở lý thuyết, chưa đi vào thực chất nên chưa phát huy được hiệu quả; nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; hạ tầng kỹ thuật nông thôn còn thấp…

Từ thực tế của địa phương, đề nghị thành phố tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ lãi suất vốn vay cho nông dân theo Quyết định 16; tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; hỗ trợ kinh phí xây dựng và lắp đặt các thiết bị bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch. Thành phố cần tiếp tục bố trí kinh phí để hỗ trợ các huyện đã thực hiện xong DĐĐT được kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng; hỗ trợ kinh phí xử lý môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung. Đề nghị UBND thành phố đề xuất với bộ, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định 35 để việc triển khai trên thực tế được thuận lợi và khả thi…

Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Vương Duy Hướng:
Mấu chốt là bài toán tiêu thụ nông sản

Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Vương Duy Hướng.

Những năm gần đây, bên cạnh việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, huyện Hoài Đức rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân. Đến nay, toàn huyện đã có 10/19 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2015, Hoài Đức phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đủ điều kiện đạt chuẩn lên 15/19 xã, chiếm 78,9% tổng số xã, các xã còn lại đều đạt trên 14 tiêu chí.

Đạt được kết quả trên có phần đóng góp quan trọng của việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Toàn huyện đã triển khai được 639ha trồng rau, hoa, cây ăn quả ở các xã Song Phương, Đông La, Tiền Yên, Vân Côn, Cát Quế, Đắc Sở, Yên Sở với hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha canh tác như: Mô hình trồng nhãn chín muộn 97ha, rau an toàn 71ha, cây phật thủ 95ha, bưởi đường Quế Dương và La Tinh 40ha... Trong đó, 2 sản phẩm nhãn chín muộn và bưởi đường Quế Dương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận Nhãn hiệu tập thể; 20ha bưởi Quế Dương, 20ha nhãn chín muộn đã được cấp chứng nhận VietGAP. Để tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng nhanh khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, huyện đã phối hợp mở trên 30 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, kỹ thuật quả an toàn, IPM, hỗ trợ vật tư, trồng mới, ghép cải tạo giống...; giúp nông dân tổ chức tham dự, tham quan hàng chục hội chợ trong cả nước để giới thiệu quảng bá sản phẩm... Nhờ vậy, sản phẩm nông sản của huyện được tiêu thụ rộng khắp cả nước, góp phần đáng kể phát triển kinh tế, xã hội của huyện, làm giàu cho các hộ dân...

Dù công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản an toàn vẫn gặp khó khăn dẫn tới chưa khuyến khích được người dân mở rộng diện tích. Nhận thức của nông hộ không đồng đều, do vậy việc áp dụng tiến bộ khoa học còn hạn chế. Ngoài ra, do chưa có cơ chế đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp, nên trên địa bàn chưa có doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp... Để nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng hàng hóa, các sản phẩm chủ lực của ngành có cơ hội thâm nhập vào các siêu thị và xuất khẩu vào những thị trường khó tính, thành phố sớm xem xét bổ sung kinh phí hỗ trợ tiền công cho hoạt động của cán bộ xã, thôn và HTX để triển khai hướng dẫn, tổng hợp và thực hiện chi trả hỗ trợ cho hộ nông dân. Hỗ trợ giống cây ăn quả theo thực tế, nhu cầu của hộ sản xuất. Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đi đầu trong việc xuất khẩu và có thể mở rộng sản xuất để giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu...

Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng:
Điều chỉnh cơ chế, chính sách cần sát thực tế

Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng.

Thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng NTM, đến nay, huyện Ba Vì đã dồn đổi được 5.332,74ha (đạt 115% kế hoạch), đào đắp 574km kênh mương, 694km đường nội đồng, kiên cố hóa 41,7km một số trục chính đường giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất. Sau khi hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, đã tạo ra nhiều mô hình cánh đồng lớn trồng lúa hàng hóa, lúa chất lượng cao ở các xã Đồng Thái, Phú Phương, Tản Hồng...; trồng chuối tiêu hồng ở Thuần Mỹ, khoai lang ở Đồng Thái, thanh long ruột đỏ ở Cẩm Lĩnh, nhãn chín muộn ở Phú Sơn, chè an toàn ở Ba Trại... Lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã hình thành mô hình nuôi cá tầm xã Khánh Thượng, cá lăng xã Đồng Thái, bò sữa ở Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, chăn nuôi lợn hướng nạc ở các xã Thụy An, Cẩm Lĩnh, Vật Lại, chăn nuôi gà thả vườn ở xã Thụy An, Cẩm Lĩnh... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Ba Vì gặp một số khó khăn cần sớm được tháo gỡ. Cụ thể, trong quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa đã thực hiện đào đắp giao thông thủy lợi với khối lượng 3,2 triệu mét khối, kiên cố hóa một số tuyến trục chính giao thông, thủy lợi nội đồng. Tổng nhu cầu vốn hơn 438,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ hơn 209,3 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 85,8 tỷ đồng, ngân sách xã gần 45,4 tỷ đồng và nhân dân đóng góp gần 97,8 tỷ đồng nhưng đến nay, kinh phí mới được cấp hơn 158,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố gần 102,8 tỷ đồng, ngân sách huyện mới bố trí được hơn 36,9 tỷ đồng. Kinh phí còn thiếu hơn 190 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố bố trí thiếu gần 105,3 tỷ đồng nên rất khó khăn.

Đặc biệt, thực hiện Quyết định 16, các xã đã cơ bản hoàn thành đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng trong năm 2013 và đầu năm 2014 theo định mức kỹ thuật quy định. Tuy nhiên, ngày 12-11-2014 UBND thành phố có Quyết định 5925 quy định suất đầu tư cho đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng là 28,8 triệu đồng/ha, phần còn lại do ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp, gây khó khăn cho huyện bởi thực tế, suất đầu tư bình quân đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng ở các xã là 69 triệu đồng/ha, cao 2,4 lần so với định mức của thành phố.

Từ thực tiễn của địa phương cho thấy, việc triển khai chính sách hỗ trợ theo Quyết định 16 của UBND thành phố và Nghị quyết 25 của HĐND thành phố còn nhiều bất cập, đặc biệt là thủ tục phức tạp nên nhân dân khó tiếp cận. Nghị quyết 25 khuyến khích phát triển vùng sản xuất chuyên canh tập trung lớn, trong khi Ba Vì là huyện vùng đồi gò nên nhân dân ở một số xã không thể quy hoạch vùng tập trung để được hưởng hỗ trợ. Định mức về thuốc sinh học trên rau chưa có, kế hoạch giao vốn muộn, định mức kinh tế kỹ thuật cho các loại cây trồng chưa đầy đủ nên việc triển khai trên thực tế gặp nhiều khó khăn... đòi hỏi cần phải khẩn trương tháo gỡ.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên:
Cần “gỡ rối” về quy hoạch

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên.

Huyện Thạch Thất có 22 xã và 1 thị trấn với diện tích đất tự nhiên gần 18.460ha, trong đó đất nông nghiệp gần 9.020ha, được phân làm 3 vùng rõ rệt: Vùng đồng bằng 11 xã, chiếm 36,92%; vùng bán sơn địa 9 xã, chiếm 34,52%; vùng núi 3 xã miền núi, chiếm 28,56% diện tích tự nhiên. Do địa hình không bằng phẳng nên huyện luôn quan tâm đến việc xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội theo quy hoạch để bảo đảm tính bền vững và hiệu quả. Trong nông nghiệp, huyện đã lập quy hoạch và tổ chức thực hiện các vùng sản xuất chuyên canh phù hợp với điều kiện địa hình, trong đó chú trọng đến vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, chăn nuôi gia cầm, bò thịt, nuôi trồng thủy sản và vùng trồng chè… Trên cơ sở quy hoạch đã chọn khâu giống làm khâu đột phá với phương châm đi tắt đón đầu đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Ngoài các vùng quy hoạch cho chăn nuôi tập trung xa khu dân cư gắn với quy hoạch NTM. Sau dồn điền, đổi thửa, huyện đã quy hoạch thêm 92ha để thực hiện mô hình chăn nuôi, thả cá kết hợp trồng cây ăn quả. Đến nay, huyện từng bước nâng cao tỷ lệ nuôi lợn ngoại, lợn hướng nạc, phát triển chăn nuôi lợn rừng, lợn lửng, gia cầm siêu thịt, siêu trứng, đã cơ bản nạc hóa đàn lợn, đang triển khai mô hình bò siêu thịt BBB. Toàn huyện có 52 trang trại chăn nuôi, 115 mô hình chuyển đổi từ ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình chăn nuôi, thủy sản ở các xã Đại Đồng, Hương Ngải, Phú Kim, Dị Nậu, Tiến Xuân, Hạ Bằng. Các trang trại và mô hình chuyển đổi do áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản suất nên hiệu quả đạt khá cao, giá trị thu nhập đạt 200-220 triệu đồng/ha/năm, nhiều nơi đạt 230-350 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt trang trại lợn rừng chăn thả tự nhiên bảo đảm an toàn sinh học tại xã Yên Bình với quy mô trên 10.000 con cho thu nhập từ 15 đến 16 tỷ đồng/năm. Mô hình nuôi lợn rừng đã và đang được nhân rộng ở các xã Yên Bình, Tiến Xuân, Yên Trung, Đại Đồng. Do có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã và quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nên giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện hàng năm đều tăng 5-7% năm.

Xác định công tác quy hoạch phải "đi trước một bước" làm nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng quá trình thực hiện các quy hoạch cũng bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn, tồn tại. Quy hoạch huyện Thạch Thất bị chi phối bởi nhiều quy hoạch của trung ương. Nhiều dự án đã được phê duyệt trước khi hợp nhất về Thủ đô nhưng chậm được rà soát và công bố gây khó khăn trong công tác lập quy hoạch, lập đề án xây dựng NTM, đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt là quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh cần sớm giải quyết, tháo gỡ…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung gỡ khó sau dồn điền, đổi thửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.