Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ có "làn sóng" tăng lãi suất?

Thanh Hương| 09/10/2015 08:52

(HNMO) - Thời gian qua, một số ngân hàng thương mại đã nâng 0,2-0,4% lãi suât huy động VND tùy kỳ hạn nhưng chủ yếu ở một số ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa. Vậy,  xu hướng này có lan rộng trên thị trường?



Bắt đầu từ tháng 9, lãi suất huy động VND đã có xu hướng nhích lên tại một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ như tại BanViet Bank, SeaBank, SaigonBank, VIB…với mức điều chỉnh từ 0,2-0,4% tùy từng kỳ hạn. Tuy nhiên, tại các ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, lãi suất huy động các kỳ hạn vẫn giữ nguyên ở mức 4,5% -4,8% cho kỳ hạn 3 tháng; 5- 5,5% đối với kỳ hạn 6 tháng và 6% đối với kỳ hạn 12 tháng.

Theo tìm hiểu, có hai nguyên nhân chính khiến lãi suất huy động VND tăng như vậy. Đó là, áp lực từ đợt điều chỉnh tỷ giá hồi giữa tháng 8 và tín dụng tăng trưởng tốt. Còn nhớ, trong quý 3/2015, tỷ giá đã có biến động rất mạnh với động thái hai lần điều chỉnh liên tiếp với biên độ khá rộng từ Ngân hàng Nhà nước. Sau hai quyết định phá giá, tỷ giá VND/USD đã mất giá khoảng 5% so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, thông tin được Ủy ban giám sát tài chính quốc gia công bố cho thấy, tính đến 21/9, tổng tín dụng đối với nền kinh tế (cho vay doanh nghiệp, cá nhân, và trái phiếu doanh nghiệp) tăng 10,5% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,26% của 9 tháng đầu năm 2014.

Lãi suất huy động VND được cho là ổn định trong thời gian tới


Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi USD của tổ chức và cá nhân xuống còn lần lượt 0% và 0,25%/năm; đồng thời ban hành Thông tư 15 hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối nhằm giảm bớt tình trạng găm giữ USD, chống đô-la hóa trong nền kinh tế. Biện pháp này đã có tác động tốt khi mà trong tuần giá USD liên tiếp giảm mạnh, thấp hơn cuối tuần trước đến gần 300 VND mỗi USD. Điều này có nghĩa, áp lực lên lãi suất huy động VND từ tỷ giá không còn lớn như trước.

Với diễn biến này, vậy từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động VND có tăng? Tại báo cáo kinh tế vĩ mô và thị trường 9 tháng đầu nằm vừa được Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố, nhóm phân tích của công ty này cho rằng, những tháng cuối năm, hiện tượng tăng nhẹ lãi suất vẫn có thể diễn ra tại một số ngân hàng đơn lẻ, chủ yếu là ngân hàng quy mô nhỏ. Tuy nhiên, về tổng thể, đặc biệt là tại các ngân hàng lớn, lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ được giữ nguyên ở mức như hiện nay xét trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức rất thấp.

Liên quan đến lạm phát, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số CPI của cả nước trong tháng 9 giảm 0,21% so với tháng 8. Tính trong vòng 10 năm trở lại thì đây là lần đầu tiên CPI trong tháng 9 ở mức âm. Diễn biến này khiến cho lạm phát tính đến thời điểm hiện tại là rất thấp: So với tháng 12/2014 thì hiện lạm phát mới tăng 0,4% và tính bình quân 9 tháng đầu năm nay thì chỉ số này cũng mới tăng 0,74%. Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia giảm dự báo lạm phát năm 2015 xuống dưới 2%.

Về lãi suất cho vay, theo BVSC, Chính phủ vẫn đang nỗ lực để duy trì một mặt bằng lãi suất ổn định nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân. Biểu hiện rõ nét nhất là động thái tăng lãi suất khá dè dặt trên thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP). Kể từ giữa tháng 6 đến nay, lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm chỉ dao động quanh mức 5,39-6,6%/năm trong khi kỳ vọng của thị trường cao hơn rất nhiều (lãi suất đặt thầu dao động từ 6,4-7,5%/năm), khiến lượng TPCP huy động được trong 9 tháng đầu năm nay chưa bằng 50% kế hoạch năm.

Thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển khoản cho Bộ Tài chính vay 30.000 tỷ đồng theo như đề xuất hồi tháng 7 vừa qua. Khoản vay này được giải thích là biện pháp xử lý kỹ thuật bội chi ngân sách và sẽ được hoàn trả trong năm tài chính. Với việc nhận được khoản vay “nóng” này, áp lực buộc phải huy động TPCP bằng mọi giá sẽ giảm bớt trong ngắn hạn.

“Do đó, lãi suất đấu thầu nhiều khả năng cũng không chịu sức ép phải tăng tiếp với biên độ lớn trong ngắn hạn”, BVSC nhận định.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Việt Nam mới nhất do Vụ Dự báo, thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện, mới được công bố, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay được 42-48% TCTD dự báo tính đến cuối năm 2015 sẽ giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2014; 26-28% TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì “ổn định” và 26-30% TCTD dự báo mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay có thể “tăng nhẹ” nhưng mức tăng trung bình kỳ vọng không quá 0,7%/năm. Bình quân toàn hệ thống, kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay đều “giảm nhẹ”, với mức giảm bình quân lần lượt là 0,26%/năm và 0,31%/năm tính đến cuối năm 2015 so với năm 2014.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ có "làn sóng" tăng lãi suất?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.