Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 13: Dấu ấn những công trình

Lương Linh| 10/10/2015 06:54

(HNM) - Nhiều công trình hiện đại hình thành góp phần hoàn thiện quy hoạch và bảo đảm kế hoạch phát triển của thành phố, đồng thời tạo dựng những dấu ấn mới trong lòng đô thị văn minh, hiện đại.

Hạ tầng giao thông Hà Nội đang được hoàn thiện, từng bước đồng bộ.


Cơ bản hoàn thiện quy hoạch giao thông...

Có thể nói, giai đoạn 2011-2015 đã ghi dấu những thành tựu trong việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng GT-VT. Cùng với việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch GT-VT TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông khung (các tuyến đường quốc lộ, hướng tâm; các tuyến đường kết nối trong nội đô; cầu qua sông; các nút giao, cầu vượt cho người đi bộ; bến bãi đỗ xe…); đồng thời thực hiện tốt việc quản lý, duy trì và khai thác kết cấu hạ tầng GT-VT.

Dù gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách trong giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư… nhưng Hà Nội đã chủ động hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm như cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; các tuyến đường giao thông như đường Võ Nguyên Giáp, Vành đai 3 trên cao, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Đường 5 kéo dài; các cầu Đông Trù, Vĩnh Thịnh, Phù Đổng 2… Nhiều tuyến đường vành đai, xuyên tâm, đường nội đô đã hoàn thành như Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu; Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Xuân La và đoạn Tôn Thất Tùng - Sông Lừ; Vành đai 2,5 đoạn Đền Lừ - Kim Đồng; đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài…; đường Vành đai 3,5 đoạn Lê Trọng Tấn (Hà Đông) kéo dài đến Đại lộ Thăng Long và đoạn Phúc La - Kiến Hưng (Hà Đông)… 7 cây cầu vượt nhẹ kết cấu thép cũng được khẩn trương hoàn thành và đưa vào khai thác góp phần quan trọng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho Thủ đô.

Cùng với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khung, đã chủ động trong việc thực hiện các đề án phát triển hạ tầng giao thông công cộng, giao thông tĩnh. Mô hình giàn đỗ xe cao tầng, do Tổng công ty Vận tải Hà Nội thực hiện tại 32 Nguyễn Công Trứ, sau khi thí điểm thành công, đã được nhân rộng tại phố Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan. Một số bến bãi đỗ xe hiện có được cải tạo, nâng cấp bảo đảm đường thông, hè thoáng và trật tự văn minh đô thị. Thành phố đã đưa vào sử dụng 1,3km làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Yên Phụ; khởi công xây dựng đường dành riêng cho xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa (dự kiến đưa vào hoạt động năm 2016); khai trương dự án thí điểm vé tháng điện tử cho xe buýt tuyến số 06 Giáp Bát - Cầu Giẽ, thuộc dự án nâng cao năng lực cải thiện giao thông công cộng Hà Nội. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Hà Nội đã phát triển 6 tuyến buýt có trợ giá. Cuối năm 2015 sẽ phát triển thêm 3 tuyến, nâng tổng số tuyến buýt thành 91, đáp ứng khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân…

Đường Võ Nguyên Giáp, hướng lưu thông từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội.Ảnh: Mạnh Hà


... và từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật

Cũng như hạ tầng giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư đồng bộ. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, nhưng Hà Nội đã phát triển nguồn nước theo quy hoạch, kế hoạch, với tổng sản lượng 910.000-930.000m3/ngày - đêm. Cùng với đó là việc đầu tư cải tạo mạng cấp nước cũ, mở rộng mạng cấp nước mới đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân. Đến nay, tỷ lệ người dân khu vực đô thị và khu dân cư tập trung sử dụng nước sạch đạt 100%, với tiêu chuẩn bình quân 130-150 lít/người/ngày. Nước cung cấp bảo đảm các tiêu chuẩn của Bộ Y tế về chất lượng.

Tình trạng úng, ngập mỗi khi mưa lớn là một thực tế nhưng những nỗ lực của thành phố cần được ghi nhận: 5 năm qua, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường (dự án 2), trong đó nâng công suất trạm bơm Yên Sở lên 90m3/giây; hoàn thiện hệ thống mương - cống thoát nước trên địa bàn 8 quận, huyện, qua đó giảm úng ngập cục bộ khi có cường độ mưa 310mm/2 ngày. Cùng với đó, Hà Nội đã hoàn thành, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải, với tổng công suất tăng thêm 250.000m3/ngày - đêm, bằng 21% tổng lượng nước thải. Thành phố đang chuẩn bị đầu tư tiếp dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá, công suất 280.000m3/ngày - đêm, khi hoàn thành có thể xử lý cơ bản lượng nước thải đổ vào sông Tô Lịch...

Một điểm nổi bật nữa là việc hạ ngầm tuyến đường điện, cáp thông tin trên 100% tuyến phố đầu tư mới và trong các khu đô thị mới. Với các tuyến phố cũ, thành phố triển khai đồng bộ việc thanh thải đường dây, cáp đi nổi không còn sử dụng. Trong năm 2014, triển khai trên 90 tuyến phố, 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục hoàn thành 100 tuyến, các tuyến còn lại đang được triển khai, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Việc thanh thải, sắp xếp đường dây đi nổi mang lại không gian thoáng đãng, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị, được nhân dân ủng hộ.

Các tuyến đường, khu dân cư đã khang trang hơn, 98% rác thải khu vực đô thị được thu gom, vận chuyển trong ngày. Cùng với việc duy trì các khu xử lý rác thải đã đầu tư, thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Khu xử lý chất thải Nam Sơn (quy mô 160ha) và giai đoạn 2 Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn cùng nhiều dự án xử lý rác trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ba Vì, Ứng Hòa. Hoàn thành chuẩn bị đầu tư bãi phế thải xây dựng tại Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín, Mê Linh, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì... 37/41 bệnh viện của thành phố đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải y tế ; 4 bệnh viện còn lại đang hoàn thiện dự án đầu tư; 22/29 bệnh viện ngoài công lập có hệ thống xử lý nước thải; 45 phòng khám đa khoa thuộc các trung tâm y tế quận, huyện có hệ thống xử lý nước thải công nghệ Nhật Bản...

Với nhiều hình thức đầu tư, Hà Nội đã huy động được nguồn lực không nhỏ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị (có 33 dự án trọng điểm, 58 dự án quy mô vừa, 138 dự án quy mô nhỏ, với tổng mức đầu tư 122.747 tỷ đồng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 13: Dấu ấn những công trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.