Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao vị thế Thủ đô

Nguyễn Đức Hải| 10/10/2015 08:35

(HNM) - Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá; GRDP bình quân tăng 9,25%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 3.600 USD/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2010...


Mỗi người con của Thủ đô đều tự hào về những thành quả đó, luôn tâm niệm phải giữ vững và phát huy để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn. Không được sống, chứng kiến thời khắc Hà Nội được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp, đánh dấu một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam (ngày 10-10-1954), nhưng qua những trang sử vẻ vang của dân tộc, tôi và hàng triệu người dân Thủ đô đã phần nào hiểu được những đóng góp của toàn Đảng, toàn quân, các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong cuộc chiến đấu chống lại ách thống trị của kẻ thù, giành lấy độc lập cho dân tộc. 61 năm kể từ ngày Thủ đô yêu dấu của chúng ta hoàn toàn được giải phóng, với sự nỗ lực không mệt mỏi nhằm mục tiêu kiến tạo một Thủ đô giàu đẹp, văn minh, đến nay Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế của cả nước.

Từ một thành phố có quy mô, diện tích, dân số tương đối nhỏ, kết cấu hạ tầng và kinh tế lạc hậu, bị phụ thuộc vào nước ngoài, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Thủ đô hôm nay có diện tích tăng gấp 18 lần, dân số tăng gần 17 lần. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của Hà Nội đạt 9,5%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của cả nước. Quy mô và tầm vóc mới đã giúp cho Thủ đô Hà Nội có thêm nguồn lực và động lực phát triển.

Không chỉ đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, 5 năm qua, xây dựng và quản lý đô thị của Thủ đô được chú trọng, nhiều khu đô thị mới, công trình hạ tầng lớn, quan trọng, hiện đại được xây dựng và đưa vào sử dụng như Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài; đường Vành đai 3, đường Nhật Tân - Nội Bài, Đường 5 kéo dài, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù… đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc.

Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả và là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Đặc biệt, quan hệ quốc tế, hội nhập, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước được mở rộng; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị được chú trọng. Nhờ những thành quả đó mà vị thế của Thủ đô Hà Nội không ngừng được nâng lên. Đặc biệt nhất là sau hai năm thực hiện "Năm trật tự - văn minh đô thị", TP Hà Nội ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, trật tự và văn minh hơn.

Bên cạnh những thành tựu mà Thủ đô Hà Nội đạt được, cũng phải nhìn nhận lại những hạn chế cần khắc phục. Đó là kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa nói chung còn thấp; các nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ trên địa bàn chưa được khai thác tốt; kinh tế tri thức chưa thể hiện rõ nét trong các ngành kinh tế chủ lực; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, quản lý quy hoạch, đất đai, xử lý úng ngập, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông còn nhiều hạn chế.

Với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, giàu đẹp, cùng với việc phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo; khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn với quyết tâm xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vị thế Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.