Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động

Bạch Thanh| 14/10/2015 06:31

(HNM) - Gần một thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Hội Nông dân Việt Nam đã nhiều lần thay đổi tên gọi cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng như Nông hội đỏ, Hội Tương tế ái hữu…



Gắn với quá trình phát triển này, Hội Nông dân TP Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, có đóng góp tích cực vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Thủ đô.

Nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2015), phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội về những nội dung này.

- Ông có thể đánh giá khái quát về những đóng góp của giai cấp nông dân Hà Nội thời gian qua vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô?

- Hiện nay, TP Hà Nội có 26/30 huyện, quận, thị xã có tổ chức Hội Nông dân với 480 cơ sở hội, 3.565 chi hội, gần 6.000 tổ hội và trên 533.000 hội viên. Hội Nông dân thành phố luôn quan tâm vận động nông dân tham gia đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô như tuyên truyền, vận động thực hiện tốt Chương trình 02 về xây dựng nông thôn mới của Thành ủy; tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững (hằng năm có 65-70% số hộ có hội viên nông dân đăng ký thi đua, kết quả có 50-55% số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp)... Thông qua các phong trào, có nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu được xây dựng và phát triển, nhiều gương nông dân sản xuất giỏi được vinh danh, như: Ông Lê Đức Giáp ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai được tôn vinh là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012; ông Nguyễn Văn Thanh, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2013... Cùng với đó là nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, tổ hợp tác sản xuất có hiệu quả, mang lại lợi nhuận kinh tế cao và được nhân rộng. Hội cũng thường xuyên vận động hội viên, nông dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện cuộc vận động xây dựng người nông dân Hà Nội thanh lịch - văn minh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang…

Các cấp hội nông dân TP Hà Nội đã đi đầu trong việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, làm giàu. Ảnh: Thái Hiền


- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng phải thừa nhận đời sống nông dân hiện còn không ít khó khăn. Theo ông, đâu là những vấn đề nổi cộm nhất của phát triển “tam nông” ở Hà Nội và giải pháp khắc phục là gì?

- Khó khăn nhất chính là “đầu vào” của sản xuất nông nghiệp như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật… giá thành cao; nhiều nơi bị hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và “đầu ra” của sản phẩm nông sản vẫn còn rất bấp bênh. Nông dân luôn đối mặt với thực trạng được mùa rớt giá, được giá mất mùa. Nông sản đa phần vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, bán sản phẩm dưới dạng trôi nổi, tự do chưa có sự liên doanh, liên kết, sản xuất theo kế hoạch, nhu cầu của thị trường...

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hội nhập kinh tế sâu rộng, theo tôi, nông dân cần hình thành, phát triển lại các HTX, tổ hợp tác theo đúng tinh thần, bản chất của HTX là hợp tác, liên kết, tương trợ nhau cùng có lợi trong các lĩnh vực: Chăn nuôi gà, nuôi lợn, sản xuất rau an toàn, trồng hoa cây cảnh, nuôi trồng thủy sản… theo hướng chuyên canh, chuyên sâu và sản xuất với số lượng lớn, vừa đáp ứng nhu cầu hàng hóa đa dạng, vừa mua được vật tư đầu vào với giá tốt, chất lượng tốt.

- Với vai trò là cơ quan đại diện cho quyền lợi, nơi tập hợp những tâm tư nguyện vọng của nông dân, Hội Nông dân TP Hà Nội đã có những biện pháp hỗ trợ nông dân ra sao trong thời gian qua?

- Đi đôi với các hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đào tạo khoa học, kỹ thuật… cho nông dân, Hội Nông dân TP Hà Nội coi hỗ trợ vốn là hướng công tác hiệu quả nhất hiện nay. Các cấp hội đã nhận ủy thác vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố với số dư đạt gần 1.200 tỷ đồng, Ngân hàng NN&PTNT đạt gần 800 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân hiện đã đạt gần 500 tỷ đồng, giúp hàng trăm nghìn lượt nông hộ trên địa bàn thành phố được tiếp cận dễ dàng, thuận lợi, kịp thời với nguồn vốn ưu đãi.

- Nhiều ý kiến cho rằng, Hội Nông dân cần được tham gia hơn nữa vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Đây cũng là trăn trở, mong muốn của hội nhiều năm qua. Trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nông dân, hội rất muốn được phối hợp với các sở, ngành liên quan để tham gia đóng góp ý kiến vào các chương trình, kế hoạch lớn liên quan trực tiếp tới nông dân, như: Chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chính sách thu hồi đất, chính sách cho cơ giới hóa nông nghiệp… để chính sách đúng, trúng và dễ dàng đi vào cuộc sống.

Để nâng cao hơn nữa hoạt động hội cũng như đời sống nông dân, trong thời gian tới Hội Nông dân TP Hà Nội sẽ tập trung xây dựng, củng cố tổ chức vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu vận động nông dân trong tình hình mới. Hội cũng sẽ đổi mới nội dung sinh hoạt, đa dạng các hình thức tập hợp, phát triển hội viên, thực hiện tốt công tác xây dựng quỹ hội, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tích cực thực hiện các phong trào thi đua giúp nông dân làm giàu, hỗ trợ các hộ nghèo tham gia phát triển kinh tế, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nâng cao thu nhập.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.