Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm tiến độ, kém hiệu quả

Hà Tuấn| 13/11/2015 06:41

(HNM) - Các dự án phát triển hạ tầng đô thị vay vốn ODA tại TP Hồ Chí Minh đang đặt ra nhiều vấn đề về tính hiệu quả khi gần 50% dự án xếp loại kém. Theo nhiều chuyên gia, thực tế này sẽ ảnh hưởng đến uy tín địa phương nói riêng, cả nước nói chung cũng như việc thu hút nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới.


Gần 50% dự án… kém!

UBND TP Hồ Chí Minh vừa có báo cáo gửi các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao về tình hình tiếp nhận, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong quý III năm 2015. Theo đó, trong 13 dự án ODA, có tới 6 dự án xếp loại kém, với tiến độ thực hiện chưa tới 40% so với kế hoạch; 6 dự án xếp loại trung bình, tiến độ chỉ đạt từ 40 đến 60%; 1 dự án xếp loại khá, tiến độ đạt từ 60 đến 80%. Như vậy, không có dự án nào xếp loại tốt. Cũng theo UBND thành phố, trong 9 tháng của năm 2015, tình hình giải ngân vốn ODA của các dự án chỉ đạt 65% kế hoạch.

Nhiều dự án hạ tầng đô thị vay vốn ODA tại TP Hồ Chí Minh chậm tiến độ và xếp loại kém.



Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín, nguyên nhân là công tác đền bù giải phóng mặt bằng và di dời các công trình tiện ích vẫn gặp nhiều khó khăn, khiến tiến độ thực hiện các dự án chậm so với kế hoạch. Bên cạnh đó, việc thi công một số gói thầu "vướng" việc phân luồng giao thông, thi công trong khu vực hẹp và phải xử lý các công trình ngầm.

Một số chuyên gia đánh giá, hơn chục năm nay, tình hình tiếp nhận, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của TP Hồ Chí Minh không có gì thay đổi, vẫn chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư, hiệu quả thấp… Nguyên nhân cứ lặp đi lặp lại, do công tác giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư, ban quản lý dự án, hay nhà thầu… Phải chăng các cấp quản lý chưa thấy rõ tính hai mặt của nguồn vốn ODA hay vốn vay ưu đãi và xem đó là "chùm khế ngọt"? Mặt khác, khung pháp lý chưa theo kịp phát sinh thực tế, chưa cập nhật các luật được sửa đổi hoặc mới ban hành như luật Đầu tư công, Xây dựng, Đấu thầu... Ngoài ra, Nhà nước đang thiếu chế tài xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức không hoàn thành trách nhiệm, gây thất thoát, lãng phí trong sử dụng nguồn vốn này.

Thanh tra dự án kém hiệu quả

Để khắc phục yếu kém, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cho biết, trước hết, cần bảo đảm cân đối đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng theo tiến độ thực hiện các dự án ODA; đồng thời, xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện dự án làm cơ sở giám sát và đánh giá nhằm bảo đảm tiến độ như cam kết. Bên cạnh đó, cần xác định cụ thể tiến độ từng hạng mục và cơ chế phối hợp giữa các đơn vị có liên quan. Đặc biệt, đối với các dự án có khối lượng đền bù và giải phóng mặt bằng lớn, chủ đầu tư cần xây dựng chi tiết kế hoạch phối hợp với các địa phương và đơn vị có liên quan; các sở, ngành cùng ban quản lý dự án ODA định kỳ họp với chủ đầu tư để xem xét, giải quyết vướng mắc...

Thế nhưng, theo các chuyên gia, nếu thiếu công khai, minh bạch, thiếu cơ chế giám sát, kiểm soát thường xuyên thì các cá nhân, đơn vị thực hiện và cơ quan chức năng khó tự giác nâng cao trách nhiệm khi sử dụng vốn ODA. "Nếu tiếp tục cách quản lý dự án như thế này, tiến độ sẽ lại kéo dài, đội vốn liên tục, giải ngân sẽ chậm, dự án không còn hiệu quả. Do vậy, UBND TP Hồ Chí Minh nên tổ chức thanh tra toàn bộ các dự án ODA hay vốn vay ưu đãi" - TS Phạm Sanh khuyến nghị.

Còn theo ông Nguyễn Văn Kích, nguyên Vụ trưởng thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chìa khóa cho việc thu hút vốn đầu tư ODA hay các nguồn vốn khác là phải xây dựng một thể chế có tính thị trường vững chắc, trong đó duy trì được tính cạnh tranh qua mỗi giai đoạn của dự án. Điều này đòi hỏi một hệ thống luật pháp, quy tắc, chính sách, cấu trúc và cách thức tiến hành hoàn chỉnh để tạo lòng tin cho nhà đầu tư. TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch hạ tầng đô thị nêu, để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ODA nói riêng và các nguồn tài trợ khác nói chung cần bảo đảm 4 yếu tố. Thứ nhất, việc ký hợp đồng giữa bên vay và bên cho vay phải chặt chẽ, công bằng giữa quyền lợi lẫn nghĩa vụ; thứ hai, cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hiện dự án để bảo đảm đúng cam kết; thứ ba, quy trách nhiệm rõ ràng từng bộ phận, từng đơn vị thực hiện; cuối cùng, nếu các dự án kém hiệu quả và không xử lý dứt điểm thì không nên vay vốn ODA tiếp. Nếu không làm tốt những điều trên, hệ quả là các nhà tài trợ quốc tế không còn lòng tin, cắt giảm dần các nguồn tài trợ cho vay ưu đãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm tiến độ, kém hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.