Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng không Việt Nam với "Bầu trời mở ASEAN": Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Tuấn Khải| 20/11/2015 06:56

(HNM) -



Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn, bởi trong khu vực có nhiều HHK đã đạt mức dịch vụ 4 sao, 5 sao. Trong khi đó, các HHK của Việt Nam mới đang trên đà phát triển, hạ tầng các cảng hàng không, sân bay còn hạn chế.

“Bầu trời mở ASEAN” sẽ mở ra cơ hội cho các hãng hàng không Việt Nam trong việc mở rộng thị trường. Ảnh: Anh Tuấn


Theo "Lộ trình hội nhập ASEAN: Chính sách dịch vụ hàng không cạnh tranh" được Bộ trưởng Giao thông các nước ASEAN ký kết thì "mở cửa bầu trời" gồm các chính sách cụ thể nhằm xóa bỏ kiểm soát giá vé, tần suất và khả năng thực hiện các chuyến bay trong khu vực để tăng sự cạnh tranh và đưa ra nhiều lựa chọn đi lại cho hành khách. Theo đó, các nước ASEAN sẽ đồng ý thực hiện cả 5 quyền không giới hạn tại bất cứ sân bay nào trong khu vực vào năm 2015. Nhiều chuyên gia và đại diện các HHK Việt Nam cho rằng, sự kiện này là một bước ngoặt đối với ngành Hàng không và là cơ hội để các HHK Việt Nam mở rộng phát triển mạng đường bay đến các nước trong khu vực.

Cách đây vài năm, các HHK Việt Nam đã có những bước chuẩn bị tích cực để hội nhập. Vietnam Airlines tập trung nâng cấp tổng thể chất lượng dịch vụ mặt đất và trên không theo tiêu chuẩn quốc tế từ mức 3 sao lên 4 sao. Hãng đã thực hiện kế hoạch này bằng việc đầu tư đội máy bay hiện đại. Trong đó, hãng sẽ thay thế toàn bộ đội máy bay thân rộng với 33 chiếc, trong đó có 19 chiếc Boeing 787 Dreamliner và 14 chiếc Airbus A350-900XWB (cả mua và thuê), được chuyển giao dần trong vòng hơn ba năm, từ giữa năm 2015 đến đầu năm 2019. Trong khi đó, HHK giá rẻ Jetstar Pacific đã chuyển đổi sang khai thác hoàn toàn bằng dòng máy bay A320/A321 hiện đại đồng thời với việc trẻ hóa đội bay, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Jetstar Pacific còn phối hợp chặt chẽ với các cổ đông như Vietnam Airlines, Tập đoàn Qantas Airways (Australia) liên tục mở thêm các đường bay quốc tế và khu vực. Nhằm nâng sức cạnh tranh, Vietjet Air cũng liên tục đầu tư đội bay, mở trung tâm đào tạo, trang bị cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập của học viên. Từ năm 2013, Vietjet đã góp vốn với một HHK của Thái Lan để thành lập Liên doanh Thai VietJet Air nhằm khai thác cả chuyến bay nội địa và quốc tế từ Sân bay Suvarnabhumi (Bangkok).

Các HHK Việt Nam có cơ hội vươn rộng ra với khu vực và ngược lại, các cảng hàng không, sân bay của ta sẽ có cơ hội đón máy bay của nhiều hãng đến. Nhưng, theo ông Dương Trí Thành, Phó Tổng Giám đốc của Vietnam Airlines, khi mật độ máy bay tăng nhanh, hạ tầng sân bay không tăng theo kịp sẽ dẫn tới ách tắc. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới chậm, hủy chuyến gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ của ngành.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific cho rằng, khi hội nhập vào thị trường hàng không chung thì giá vé máy bay sẽ là cuộc cạnh tranh căng thẳng giữa các HHK trong nước với các HHK giá rẻ trong khu vực. Bên cạnh đó, khi các hãng đều tăng tần suất các chuyến bay hoặc một đường bay có nhiều hãng mở thì việc phải đối mặt với khó khăn khi xin giờ cất hạ cánh tại các sân bay quốc tế do mật độ khai thác tăng cao là điều khó tránh khỏi. Do đó, hãng rất cần được Nhà nước hỗ trợ trong quá trình làm các thủ tục pháp lý khi xin phép khai thác các đường bay mới đến những thành phố của các nước ASEAN. Nhà nước cũng cần đàm phán với các nước thành viên ASEAN để đồng bộ hóa và minh bạch hóa quy trình, thủ tục xin phép bay giữa các nước, tránh trường hợp mỗi nước có yêu cầu khác nhau về hồ sơ xin phép. Một số ý kiến nhấn mạnh đến sự cạnh tranh giữa các HHK trong nước và quốc tế.

Trong 10 nước ASEAN có rất nhiều HHK đạt tiêu chuẩn 5 sao và 4 sao như Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan… Trong khi đó, Vietnam Airlines mới đang vươn lên tầm dịch vụ 4 sao. Ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GT-VT) khuyến nghị, trong bối cảnh đó, các HHK của ta cần nhanh chóng nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời bảo đảm an ninh an toàn ở mức cao nhất nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tận dụng tốt nhất các cơ hội của thị trường hàng không thống nhất ASEAN cũng như các thỏa thuận tự do hóa thị trường hàng không giữa ASEAN với các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh Châu Âu... đã, đang và sẽ được xây dựng trong thời gian tới.

5 quyền không giới hạn, gồm:

Hàng không nước này được bay qua không phận nước khác; được dừng ở sân bay của một nước để tiếp nhiên liệu và cung ứng khi cần; hàng không nước chủ nhà được chở khách sang một nước khác; chở khách ngược về; hàng không nước chủ nhà được chở khách sang nước A, được quá cảnh và đón khách tại nước B, chở đến A và chiều ngược lại.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàng không Việt Nam với "Bầu trời mở ASEAN": Cơ hội nhiều, thách thức lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.