Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chăn nuôi bò sữa ở Hà Nội: Sức cạnh tranh kém

Ngọc Quỳnh| 25/11/2015 07:18

(HNM) - Hiện chăn nuôi bò sữa (CNBS) ở Hà Nội đang phát triển mạnh về số lượng, nhiều trang trại bắt đầu mở rộng quy mô chăn nuôi, đưa khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất. Tuy nhiên, do chăn nuôi nông hộ còn nhỏ lẻ, chất lượng giống thấp, giá sữa bán trên thị trường cao hơn so với các nước trên thế giới...


Năng suất thấp

Theo ông Hoàng Tiến Nghi, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, thực hiện chương trình phát triển CNBS và hợp tác với Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP), tổng đàn bò sữa của thành phố tăng nhanh cả về số và chất lượng. Đến nay, tổng đàn bò sữa toàn thành phố đạt 15.000 con, tăng 2-3 lần so với năm 2010; sản lượng sữa từ 3.800kg/chu kỳ/năm đã tăng lên 4.800kg/chu kỳ/năm. Tuy nhiên, việc hợp tác CNBS còn khó khăn như: Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, năng suất sữa so với các nước phát triển còn thấp. Thời gian gần đây, giá sữa bột giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển CNBS và hiệu quả kinh tế của người dân. Do nhu cầu sử dụng sữa tươi của người dân trong nước thấp và việc phân biệt giữa sữa tươi, sữa hoàn nguyên còn hạn chế nên việc dùng các sản phẩm sữa tươi 100% sản xuất trong nước chưa được người tiêu dùng hưởng ứng nhiệt tình. Giá bò sữa giống tiếp tục giảm do việc tiêu thụ sữa gặp khó khăn cũng làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng đàn các năm sau. Do các chi phí đầu vào đều tăng cao nên giá sản xuất sữa trong nước rất cao (khoảng 9.700 đồng/lít), trong khi giá sữa một số nước trên thế giới sản xuất ra chỉ khoảng 4.800 đồng/lít, dẫn tới sức cạnh tranh kém.

Chăn nuôi nhỏ lẻ là một trong những hạn chế lớn trong chăn nuôi bò sữa ở Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam



Trao đổi về những khó khăn trong chương trình hợp tác, ông Nguyễn Mạnh Hùng - hộ CNBS ở Ba Vì cho biết, mặc dù được Công ty IDP thu mua với giá ổn định nhưng công ty không thu mua hết được lượng sữa cho nông dân vào mùa đông, bởi thời điểm đó sản lượng sữa tăng gấp 50-60 lần so với mùa hè nên khoảng 70% lượng sữa dôi ra, nông dân phải bán cho các đại lý với giá không cao.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty IDP cho biết, việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Vào mùa hè, khi lượng tiêu thụ sữa mạnh, một số người dân bán sữa ra ngoài với giá cao, vào mùa đông lượng sữa nhiều, tiêu thụ chậm, nông dân yêu cầu doanh nghiệp thu mua hết, gây khó khăn trong quản lý giá cũng như chất lượng sữa. Vì vậy, công ty chỉ thu mua số lượng như trong hợp đồng đã ký kết, đồng thời, chất lượng thức ăn chưa ổn định và con giống không tốt, nên năng suất thấp dẫn tới chất lượng sữa không đồng đều ở các hộ dân.

Đầu tư khoa học và con giống

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho các hộ CNBS, cũng như đẩy nhanh việc hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ, các đơn vị của ngành sẽ tiếp tục rà soát việc phát triển CNBS theo quy hoạch, không mở rộng vùng mà chủ yếu tập trung vào chất lượng. Kiên quyết hạn chế tối đa việc phát triển CNBS tự phát, nhỏ lẻ trong khu dân cư; tư vấn, hướng dẫn đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống trang thiết bị cho các điểm thu gom sữa, từng bước nâng cấp để đạt chuẩn quốc tế. Công tác thu mua phải bảo đảm việc đánh giá sữa được chính xác, chuẩn mực, bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi và chất lượng sữa cho người tiêu dùng. Ngành sẽ tiếp tục tạo mối quan hệ gắn kết từ người chăn nuôi, trạm thu gom sữa với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa trên địa bàn thành phố bằng các hợp đồng kinh tế bảo đảm quyền lợi cho các bên. Đồng thời, người dân cũng cần đầu tư khoa học, kỹ thuật trong CNBS và sử dụng phần mềm quản lý công tác giống, chăm sóc đàn bò tại các trang trại quy mô lớn; phối hợp với các đơn vị có liên quan, trường học tiếp tục tổ chức triển khai chương trình "sữa học đường", "ngày uống sữa thế giới" để đẩy mạnh việc sử dụng sữa tươi đến người tiêu dùng.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân nhận định, việc quan trọng cần làm để nâng cao năng suất, chất lượng sữa hiện nay là cải tạo giống. Nếu con giống kém chất lượng cần loại thải. Bên cạnh đó là thực hiện việc liên kết "4 nhà" trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Ông Vân cũng khuyến cáo, khi sữa nước ngoài tràn ngập tại thị trường Việt Nam với giá rẻ, nếu nông dân và doanh nghiệp không cải thiện được năng suất và chất lượng sẽ thua ngay trên "sân nhà". Các doanh nghiệp sản xuất cũng phải đa dạng các mặt hàng có nguồn gốc từ sữa tươi đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền giúp người tiêu dùng hiểu và hướng tới sử dụng sữa tươi, không bị nhầm lẫn với sản phẩm sữa bột hoàn nguyên. Các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra việc sản xuất kinh doanh của các công ty kinh doanh sữa trên địa bàn thành phố để minh bạch sản phẩm sữa tươi và sữa bột hoàn nguyên bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăn nuôi bò sữa ở Hà Nội: Sức cạnh tranh kém

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.