Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh giá đúng cơ hội, thách thức để phát huy lợi thế

Hồng Sơn| 30/11/2015 06:51

(HNM) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (FTA) là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh như dệt may, nông sản, thủy sản...

Tuy nhiên, cũng như nhiều khu vực khác, con đường tiến vào thị trường này không hề dễ dàng, đơn giản. Phân tích, đánh giá đúng mức về cơ hội và thách thức, cung cấp những thông tin liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) một cách tối đa… là vấn đề đặt ra lúc này.

Liên minh kinh tế Á - Âu (FTA) gồm 5 quốc gia: Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia và Kyrgystan - vốn là những bạn hàng truyền thống của Việt Nam. Trong đó, Nga là đối tác quan trọng, nòng cốt của cả Liên minh. Nhìn chung, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Liên minh còn ở mức rất nhỏ, đạt 4,2 tỷ USD trong năm 2014 và có tốc độ tăng trưởng bình quân 5-6%/năm, chưa thực sự xứng với tiềm năng, lợi thế của cả hai bên.

Thủy sản là một trong những thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thuộc khối Liên minh kinh tế Á - Âu. Ảnh: Mạnh Hà


Theo Bộ Công thương, thị trường của Liên minh Á - Âu, gồm 600 triệu người tiêu dùng, là nơi có nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng nông, thủy sản chế biến; điện tử gia dụng, hàng dệt may, sản phẩm cơ - kim khí… Đây là mặt hàng thế mạnh của DN Việt Nam và ít phải cạnh tranh với hàng hóa do các nước thuộc Liên minh sản xuất. Như vậy, con đường thâm nhập thị trường trên không gặp nhiều rào cản, nếu xét về mặt hàng hóa và nhu cầu tiêu thụ. Thậm chí, Liên minh cam kết dành những điều kiện thuận lợi, thông thoáng đối với DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của mình. Hơn 84% dòng thuế sẽ được xóa bỏ theo lộ trình (tối đa trong 10 năm). Riêng một số mặt hàng quan trọng của Việt Nam như thủy sản sẽ cắt bỏ 71% dòng thuế về 0% ngay lập tức. Dệt may cũng được giảm và xóa bỏ 95% dòng thuế nhập khẩu; giày - dép giảm và xóa bỏ 77% dòng thuế...

Chiều ngược lại, một đoàn DN Nga đã sang Việt Nam, tìm hiểu cơ hội đầu tư và hợp tác, đồng thời mong muốn thông qua "cầu nối" Việt Nam để mở rộng quan hệ kinh tế với ASEAN. Trước mắt, DN Nga muốn tăng tốc nghiên cứu khả năng tham gia các dự án công nghiệp khai khoáng, hóa chất, xây dựng công trình năng lượng, lắp ráp xe tải hạng nặng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Nga cũng mong muốn giới thiệu, chào hàng máy bay dân dụng loại nhỏ. Điều đó cho thấy, dường như các bên đang chủ động tham gia FTA và tiềm năng của hai bên còn rất lớn; được chính phủ các bên quan tâm, tạo điều kiện tối đa về chính sách, hỗ trợ về thủ tục thuế, hải quan nên chắc chắn sẽ tăng trưởng cao hơn trong tương lai gần.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị DN cần tìm hiểu, nắm bắt thông tin, quy định về FTA; nhu cầu tiêu dùng và thị hiếu của mỗi thị trường cụ thể, nhất là yếu tố văn hóa và tôn giáo, vì đây là thị trường mới, có một bộ phận dân chúng theo đạo Hồi. Việc xuất khẩu cần có kế hoạch chắc chắn, lưu ý về số lượng hàng hóa bởi sức mua không dồi dào như của các thị trường FTA khác do thu nhập bình quân đầu người hạn chế. Riêng đối với hàng nông, thủy sản còn phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo dựng uy tín ngay từ đầu cũng như hướng tới việc duy trì sức cạnh tranh, gia tăng thị phần càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, DN Việt Nam cần lưu ý phương án vận chuyển hàng hóa, chi phí vận tải, thuê bến bãi một cách hợp lý, bởi khoảng cách từ Việt Nam đến thị trường Liên minh khá xa, không thuận lợi và không gần các tuyến vận tải biển truyền thống. Trong giao thương giữa Việt Nam với Liên minh, DN Việt Nam mới quen thuộc với bạn hàng Nga. Thực tế đặt ra yêu cầu cần có sự nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng để phát huy lợi thế, hạn chế bất lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá đúng cơ hội, thách thức để phát huy lợi thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.