Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Việt Nam năm 2016: Nhiều triển vọng lạc quan

Hồng Sơn| 28/12/2015 06:13

(HNM) - Năm 2015, nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch đề ra. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê về những điểm sáng trong


- Thưa ông, trong “bức tranh” kinh tế 2015, những điểm sáng cần ghi nhận là gì?

- Tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt mức 6,68%, cao hơn các năm 2011-2014. Hầu hết các ngành chủ chốt như công nghiệp, xây dựng, thương mại, ngân hàng... đều tăng trưởng cao. Đặc biệt, công nghiệp tăng 9,39%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 6,32% năm 2014. Riêng công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 10,6% (năm 2014 tăng 7,41%). Trong đó, đáng lưu ý, ô tô tăng 54,5%; ti vi tăng 51,2%; điện thoại di động tăng 31,6%; sữa tắm, sữa rửa mặt tăng 19,8%; thép thanh, thép góc tăng 18,6%; sữa bột tăng 18,5%; giày, dép da và thép cán cùng tăng 17,8%; thức ăn cho gia súc tăng 16,5%...

Lắp ráp ti vi tại Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam. Ảnh: Trần Thanh


Xét về tổng cầu của nền kinh tế, chỉ số tiêu dùng tăng 9,12% - cao nhất trong 5 năm trở lại đây; trong đó tiêu dùng của nhà nước tăng 6,96%, tiêu dùng của hộ dân cư tăng 9,33%. Tích lũy tài sản năm tăng 9,04%, đạt đỉnh trong 5 năm qua. Đây được coi là tiền đề cho tăng trưởng cao của giai đoạn 2016-2020.

Về xuất - nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 8,1%, tuy không đạt kế hoạch đề ra, song cũng phải ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp (DN), nhất là DN đầu tư nước ngoài. Nhập khẩu hàng hóa đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% cũng không quá lo ngại, do nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục và lấy lại mức tăng trưởng cao, nhất là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo… nên nhu cầu về nguyên vật liệu và máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng.

- Việc CPI tăng quá thấp có đáng lo ngại không? Có vấn đề gì liên quan đến chất lượng nghiên cứu, xác lập chỉ tiêu CPI từ đầu năm hay không?

- CPI tăng thấp so với các năm khác và chỉ tăng 0,63% so với năm trước. Tuy nhiên, các chỉ tiêu vĩ mô khác như GDP tăng khá; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,2%, trong khi các năm 2011, 2012, 2013, 2014 lần lượt là 4,7; 6,2; 5,6 và 6,5%. Điều đó cho thấy, tiêu dùng năm nay cao hơn năm trước. Cùng với đó, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động ít hơn DN thành lập mới; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm khá thấp; tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng cao hơn năm 2014. “Bức tranh” vĩ mô ấy cho thấy việc CPI tăng thấp không đáng lo ngại mà là dấu hiệu tốt cho phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất - kinh doanh phát triển, cũng như tạo điều kiện cho giá một số dịch vụ công được tính đầy đủ các chi phí theo giá thị trường. Lạm phát thấp đồng nghĩa với việc tiền đồng của Việt Nam giữ được giá trị, tạo yếu tố tâm lý ổn định trong đầu tư kinh doanh, hạn chế vàng hóa và đô la hóa nền kinh tế...

- Vậy tại sao CPI lại tăng quá thấp so với mức cho phép, thưa ông?

- CPI năm nay tăng thấp hoàn toàn là do chi phí sản xuất giảm xuống. Chẳng hạn giá xăng dầu giảm rất mạnh. Giá lương thực cũng giảm; trong khi giá các mặt hàng Nhà nước quản lý không tăng cao.

- Ông nhận định thế nào về diễn biến nền kinh tế năm 2016, những thuận lợi và thách thức, nhất là những vấn đề tồn tại cần tháo gỡ?

- Năm 2016, nghị quyết của Quốc hội đặt ra một số mục tiêu cụ thể: Tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%; lạm phát dưới 5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; nhập siêu dưới mức 5% kim ngạch xuất khẩu. Đây là những nhiệm vụ không nhỏ. Dự báo, năm 2016, giá dầu thô tiếp tục giảm; nếu xuống 30-35 USD/thùng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế, thu ngân sách từ dầu thô và các khoản thu có liên quan sẽ giảm. Tuy nhiên, giá dầu giảm giúp kinh tế trong nước phát triển nhờ giảm chi phí đầu vào của hầu hết các ngành, tăng giá trị sản phẩm và GDP. Từ đó, thu từ sản xuất trong nước tăng, bù đắp phần thiếu hụt thu từ dầu thô.

Năm tới có thể điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện. Điều này sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất, làm giảm tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách tỷ giá đã được điều hành tương đối linh hoạt song vẫn đang chịu sức ép khá lớn từ các yếu tố bên ngoài, tâm lý thị trường và nhập siêu. Dự báo trong năm 2016, thị trường tài chính quốc tế vẫn có nhiều biến động khó lường, đặc biệt là tác động từ lộ trình nâng lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và khả năng giảm giá của đồng nhân dân tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Dòng vốn trực tiếp và gián tiếp đầu tư vào Việt Nam để đón đầu lợi ích mà Việt Nam có được khi thực thi các hiệp định thương mại tự do… sẽ tác động mạnh đến cung cầu ngoại tệ và tỷ giá. Nợ xấu chưa được giải quyết triệt để, nhất là nợ xấu của DN nhà nước. Tổng cầu nội địa tăng cao nhưng còn tiềm ẩn những rủi ro, khó lường.

Đến nay, độ mở của nền kinh tế ngày càng rộng, nhất là khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, do đó kinh tế trong nước sẽ chịu tác động ngày càng lớn của kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, cần khắc phục nhanh tình trạng năng suất lao động thấp so với khu vực và thế giới, gây ra bất lợi và giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo tôi, cải cách thể chế kinh tế sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2016 và giai đoạn tới.

- Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Việt Nam năm 2016: Nhiều triển vọng lạc quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.