Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển vùng Thủ đô Hà Nội: Hợp tác, chia sẻ và liên kết

Lê Hoàn - Hiền Lương| 26/01/2016 06:56

(HNM) - Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 đã đạt được những kết quả quan trọng. Tinh thần

Tại Đại hội XII của Đảng, các đại biểu đánh giá cao vai trò Hà Nội, đồng thời mong muốn trong thời gian tới, tinh thần hợp tác, chia sẻ và liên kết tiếp tục được phát huy để các tỉnh, thành trong vùng Thủ đô Hà Nội tiến nhanh, tiến chắc cùng cả nước.

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.


Thực hiện tốt vai trò trung tâm, kết nối

Theo Quyết định 1758/QĐ-TTg, ngày 20-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vùng Thủ đô bao gồm Hà Nội và 9 tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Đây là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, bền vững; bảo đảm an ninh, quốc phòng; vùng Thủ đô có trung tâm chính trị, văn hóa - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước. Mục tiêu hướng tới là phát triển Thủ đô Hà Nội và các tỉnh xung quanh trên cơ sở có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết về các động lực, cơ hội phát triển, mối quan hệ cung cầu cũng như trách nhiệm giải quyết các khó khăn và thách thức trong vùng theo hướng hài hòa và bền vững.

Những năm qua, Hà Nội đặc biệt coi trọng tăng cường liên kết với các địa phương trong cả nước. Với ưu thế đặc biệt của Thủ đô, các địa phương đều nhận thấy được khả năng, cơ hội liên kết, hợp tác rất lớn với Hà Nội trong nhiều lĩnh vực. Ngược lại, những thế mạnh của các tỉnh, thành phố mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Thủ đô đầu tư, đồng thời bổ sung cho Hà Nội những sản phẩm cần thiết nhằm đáp ứng tốt hơn sự phát triển của Thủ đô cũng như nhu cầu. Vì thế, 3 lĩnh vực đang được Hà Nội hợp tác khá hiệu quả với các tỉnh, thành trong vùng là: Quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị; công nghiệp - thương mại - dịch vụ; nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Không chỉ phát triển kinh tế, các tỉnh, thành trong vùng còn mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác cùng phát triển về văn hóa - xã hội. Đặc biệt, Hà Nội đã huy động mọi nguồn lực, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải các tuyến cao tốc và giao thông liên tỉnh quan trọng như: Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội - Hòa Lạc - Hòa Bình… nhằm tăng cường giao thương, thúc đẩy kinh tế Thủ đô và các tỉnh phát triển.

Bên cạnh liên kết phát triển kinh tế - xã hội, với vị thế thuận lợi, Hà Nội rất tích cực trong việc giúp các tỉnh, thành tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư tại Thủ đô; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là ngành Giáo dục, Y tế; khai thác và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm sản, tổ chức triển lãm giới thiệu sản phẩm; tăng cường liên kết, khai thác tiềm năng du lịch… Nỗ lực của Hà Nội nhằm thể hiện tốt vai trò trung tâm, liên kết trong vùng Thủ đô là hàng loạt cuộc làm việc của đoàn công tác thành phố do các đồng chí trong Thường trực Thành ủy dẫn đầu với các tỉnh trong vùng Thủ đô. Sự lãnh đạo của Thành ủy bảo đảm cho chủ trương đẩy mạnh liên kết vùng được cả hệ thống chính trị Thủ đô quan tâm, thực hiện. Trên thực tế, các sở, ngành, thậm chí là các quận, huyện, đặc biệt là các doanh nghiệp của Hà Nội đã chủ động, thường xuyên giữ mối quan hệ hợp tác với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp các tỉnh trong vùng.

Không để lãng phí sức mạnh liên kết

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Văn Toàn (đại biểu Đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, là tỉnh ở gần sát Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô, Vĩnh Phúc rất có lợi thế trong thu hút đầu tư. Trong thời gian qua, Hà Nội và Vĩnh Phúc đã hợp tác tận dụng, khai thác khá hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, cùng nhau phát triển. Đồng chí Hoàng Văn Toàn khẳng định, đến với Đại hội XII, Đoàn Vĩnh Phúc mong muốn được góp thêm tiếng nói để Đại hội quyết định những chủ trương về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, trong đó có liên kết phát triển vùng để các tỉnh, thành vùng Thủ đô phát triển hơn nữa, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh, Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, luôn là niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Hà Nội với số dân gần 10 triệu người, quy mô đô thị ngày càng mở rộng, trong khi đó mới tự cung cấp được khoảng 50% các loại thực phẩm. Vì thế thời gian tới, Ninh Bình và Hà Nội cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác về thương mại và đầu tư. Hai bên cần hợp tác cùng nâng cao chất lượng của từng sản phẩm, về lâu dài phải là các sản phẩm sạch, chất lượng đồng đều để cung cấp cho thị trường hai địa phương. Hà Nội và Ninh Bình có thể thúc đẩy hợp tác nhiều hơn về văn hóa, du lịch; giải quyết ô nhiễm môi trường; phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới… đây là những việc rất xác đáng cần thúc đẩy hơn nữa.

Đánh giá vị thế của địa phương trong mối tương quan với Thủ đô Hà Nội, đồng chí Mai Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cho biết, Hà Nam hội tụ các điều kiện cần, với tính cách như những tiền đề, để có thể trở thành một trong những điểm hội tụ trong vành đai Thủ đô, có sức lan tỏa trong chỉnh thể vùng các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, giữ vị thế yết hầu tới khu vực Bắc miền Trung. Thời gian qua, sự phối hợp của hai địa phương rất hiệu quả, trong đó có việc giới thiệu các doanh nghiệp của Hà Nội về đầu tư tại Hà Nam; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Hà Nam được tham gia các hội chợ thương mại lớn ở Hà Nội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Hai địa phương còn cùng phối hợp với Bộ GT-VT xây dựng một số tuyến đường giao thông kết nối giữa Hà Nội - Hà Nam và các địa phương khác: Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình; cải tạo nâng cấp quốc lộ 1A... Hà Nội - Hà Nam cùng với các tỉnh Hòa Bình, Nam Định và Ninh Bình xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường lưu vực Sông Nhuệ - Đáy... Giai đoạn 2015-2020, Hà Nam chọn cho mình hướng đi: Tiếp tục xây dựng thương hiệu nông nghiệp gắn với công nghiệp hóa và công nghiệp dịch vụ - nền tảng và động lực để Hà Nam phát triển nhanh và bền vững.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Mai Tiến Dũng, để thực hiện được mục tiêu trên Hà Nam chủ trương mở rộng liên kết nội bộ, nội bộ với bên ngoài, đặc biệt là Thủ đô nhằm tạo dựng sức mạnh tổng hòa phát triển toàn diện, mạnh mẽ và bền vững, trước hết tạo hiệu ứng vùng và lan tỏa rộng, sâu tới tận cơ sở…

Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa hai địa phương, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Đảng bộ TP Hà Nội, từng khẳng định: Về mặt khách quan, Hà Nam cũng đã và đang là một đơn vị vệ tinh của Hà Nội, vì vậy, các cơ quan liên quan của thành phố cần phải xem xét vấn đề này trong quá trình quy hoạch. Về lĩnh vực du lịch, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi địa phương, các bên nên có sự phối hợp cùng đề xuất với Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc xây dựng tuyến kết nối du lịch: Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình. Đối với lĩnh vực đầu tư, thương mại, hai bên cần tăng cường quản lý, tổ chức, tác động theo hướng tăng quy mô đầu tư và chú trọng xây dựng thương hiệu, xây dựng cơ chế hài hòa về lợi ích giữa người bán và người mua…

Tiềm năng hợp tác trong vùng Thủ đô và giữa vùng Thủ đô với các vùng khác rất lớn. Nhưng thực tiễn là “cái khó đang bó cái khôn”. Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô thì chưa ổn định. Ngoài sự chủ động của các tỉnh, thành phố trong vùng, cần lắm một cơ chế điều hành mối quan hệ trong vùng ở tầm Chính phủ, thậm chí có ý kiến đề nghị cần luật hóa vùng Hà Nội một cách cụ thể với tính chất ràng buộc trách nhiệm cao hơn. Đó là điều mà Hà Nội và các tỉnh trong vùng Thủ đô mong đợi.

Giai đoạn 2011-2015, Hà Nội đã hỗ trợ các tỉnh trong cả nước 43 dự án, công trình với tổng số vốn là 389.750 triệu đồng từ nguồn ngân sách. Thành phố cũng đã hỗ trợ 84.092 triệu đồng từ nguồn vốn chi thường xuyên cho các quỹ xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội của 20 tỉnh, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Hải quân. Bên cạnh đó, thành phố cũng kêu gọi các doanh nghiệp của Hà Nội hỗ trợ đầu tư xây dựng 20 dự án với tổng số tiền là 165.000 triệu đồng…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển vùng Thủ đô Hà Nội: Hợp tác, chia sẻ và liên kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.