Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những triệu phú trồng bưởi ở Cát Quế

Đức Duy| 27/02/2016 08:21

(HNM) - Với giá trị canh tác 500-600 triệu đồng/ha/năm, bưởi đã trở thành loại cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ dân xã Cát Quế, huyện Hoài Đức vươn lên làm giàu.

Vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Mười, xã Cát Quế cho thu nhập 160 - 170 triệu đồng/năm.


Ông Nguyễn Như Hảo, Chủ tịch Hội Sản xuất và kinh doanh bưởi Cát Quế cho biết: 10-15 năm trước đây, người dân xã Cát Quế đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, ngô, khoai sang trồng bưởi Diễn, bưởi đường... cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Điều đặc biệt, cây bưởi Diễn rất hợp với thổ nhưỡng tại địa phương, thơm, ngon nên liên tục được người dân mở rộng diện tích. Tính đến nay, toàn xã Cát Quế đã trồng được gần 80ha bưởi, với các giống chính là bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, bưởi đường...

Dẫn chúng tôi đến thăm vườn bưởi của gia đình các ông Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Duy Hiển, Nguyễn Duy Chung, Nguyễn Danh Đỉnh, ông Hảo giới thiệu: Đây là những vườn bưởi ngon có tiếng, đã trồng được 15-20 năm nên cứ giáp Tết là khách hàng về đặt mua cả vườn. Còn ông Nguyễn Văn Mười - chủ vườn bưởi 15 năm tuổi ở khu vực Đội 7, xã Cát Quế cho biết: Muốn bưởi ngon, điều quan trọng nhất là chọn được cây giống đầu dòng, kết hợp với áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc phù hợp.

Cụ thể, ở thời kỳ ra hoa, tiến hành phun phân bón lá, kích thích đậu quả, đến tháng 5 thì bao quả để hạn chế sâu bệnh và chống rám nắng, ruồi châm... Đối với những cây bưởi phát triển xanh tốt, khoảng tháng 11 phải khoanh vỏ để hãm cây, hạn chế ra lộc và hoa trái vụ. Khi thu quả xong phải cắt tỉa cành sâu, vệ sinh gốc bưởi, sau đó bón thúc bằng phân vi sinh tổng hợp để cây bưởi nhanh hồi phục, phát triển khỏe mạnh.

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên vườn bưởi nhà ông Mười cho thu hoạch ổn định 10 năm nay. Vụ tết Bính Thân vừa qua, với 80 gốc bưởi (khoảng 2,5 sào), gia đình ông thu hoạch được 4.500 quả, giá bán buôn tại vườn là 38.000 đồng/quả, trừ chi phí lãi 160 triệu đồng. Tương tự, hộ gia đình ông Nguyễn Duy Chung trồng 3 sào, hằng năm lãi 130-170 triệu đồng; gia đình ông Nguyễn Danh Đỉnh trồng gần một sào lãi 60 triệu đồng...

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cát Quế Trần Văn Long, từ nhiều năm nay, nghị quyết của Đảng ủy xã luôn xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là mục tiêu quan trọng để nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đặc biệt, bưởi Quế Dương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể nên giá trị hàng hóa đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, tại xã Cát Quế, ngoài gần 80ha bưởi cho thu nhập cao, nông dân còn trồng đu đủ, ổi, táo, phật thủ... cho thu nhập 30-50 triệu đồng/sào/năm.

Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng cây ăn quả ở Cát Quế còn nhỏ, lẻ, phân tán; hộ nhiều cũng chỉ khoảng 10 sào, hộ ít 1-2 sào. Thời gian tới, Cát Quế tập trung áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cây ăn quả của địa phương, nhất là các giống bưởi; từng bước đưa sản phẩm vào các siêu thị, khách sạn, để bảo đảm đầu ra, tăng thu nhập cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những triệu phú trồng bưởi ở Cát Quế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.