Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu: Người tiêu dùng không được hưởng lợi

Hương Ly - Hồng Sơn| 17/03/2016 06:11

(HNM) - Việc giá xăng tăng nhanh, giảm chậm, giảm không tương xứng với thị trường thế giới lâu nay là nỗi bức xúc với người tiêu dùng. Chính vì vậy, mức lãi


Chênh lệch thuế, doanh nghiệp lãi lớn

Theo báo cáo tài chính của Petrolimex, năm 2015, lãi trước thuế của Tập đoàn này lên tới 3.766 tỷ đồng; trong đó, lãi riêng lĩnh vực chính - kinh doanh xăng dầu là 1.989 tỷ đồng, tương đương 52,8% tổng lợi nhuận hợp nhất toàn tập đoàn. Theo Petrolimex, việc thay đổi phương thức tính giá nhập khẩu phù hợp với diễn biến thị trường, hợp lý hóa đường vận chuyển hàng hóa và cơ cấu tồn kho xăng dầu, giảm chi phí tài chính và sản lượng gia tăng… đã giúp doanh nghiệp (DN) thu lãi lớn.

Khách hàng mua xăng tại điểm bán lẻ xăng dầu của Petrolimex.


Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của Petrolimex 5 năm vừa qua, có thể thấy, các năm 2011, 2012, 2014 đơn vị đều lỗ ở mảng xăng dầu. Riêng năm 2013, Petrolimex lãi vượt trội, cũng chỉ hơn 1.500 tỷ đồng. Một câu hỏi được đặt ra là, trong khoản lãi trước thuế 1.989 tỷ đồng, con số DN hưởng lợi nhờ chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu là bao nhiêu? Bởi trong công thức tính giá cơ sở, dùng làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, liên bộ Công thương - Tài chính vẫn sử dụng mức thuế nhập khẩu xăng dầu ưu đãi (MFN) theo Thông tư 78 (ngày 20-5-2015). Trong đó, thuế suất thuế nhập khẩu với xăng là 20%, dầu diesel và mazut 10%, dầu hỏa 13%. Nhưng trên thực tế, Petrolimex cũng như các DN đầu mối khác, có thể linh hoạt tận dụng mức thuế thấp hơn nhiều khi nhập khẩu xăng dầu từ các nước ASEAN và Hàn Quốc nhờ lộ trình cắt giảm thuế của các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính riêng trong tháng 1-2016, lượng xăng dầu nhập về Việt Nam khoảng 789.000 tấn mà gần 90% từ ASEAN và Hàn Quốc. Trong đó, lượng xăng Việt Nam nhập từ Singapore (chiếm hơn một nửa tổng lượng nhập khẩu) tăng 67,3% so với cùng kỳ 2015; từ Thái Lan tăng hơn 30%; từ Malaysia tăng gấp 9 lần... Trong năm 2015, Việt Nam nhập hơn 10 triệu tấn xăng, dầu; trong đó, lượng xăng, dầu nhập từ ASEAN chiếm đến 68%. Điều đó cho thấy, khoản tiền thuế chênh lệch không hề nhỏ, đồng nghĩa với việc, người tiêu dùng bỗng nhiên phải gánh thêm khoản thuế chênh lệch thay vì được mua xăng với giá rẻ hơn do thuế suất giảm mạnh theo cam kết quốc tế.
Phải bảo đảm quyền lợi "ba bên"

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả thị trường (Bộ Tài chính), DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã lợi dụng kẽ hở của chính sách để trục lợi. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải công khai khi các yếu tố đầu vào của DN thay đổi. Người tiêu dùng phải được biết có sự chênh lệch này và DN đã hưởng lợi bao nhiêu. Bởi nếu áp mức thuế nhập khẩu xăng dầu đúng theo thực tế, giá xăng dầu sẽ giảm hơn nữa và người tiêu dùng cũng như cả nền kinh tế được hưởng lợi. Chậm sửa đổi "lỗ hổng" ngày nào, người tiêu dùng bị thiệt ngày đó.

Thế nhưng trong thông cáo phát đi ngày 14-3, Bộ Công thương xác nhận, mức thuế nhập khẩu xăng dầu theo các FTA giữa Việt Nam với ASEAN, Hàn Quốc... có sự khác nhau và không giống với mức thuế nhập khẩu xăng dầu ưu đãi MFN đang dùng làm căn cứ tính giá xăng dầu. Bộ Công thương cho rằng, Bộ Tài chính được giao quản lý nhà nước về giá; chủ trì, hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở. Vì vậy, Bộ Công thương vẫn phải tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu theo mức thuế MFN. Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng chính thức thừa nhận có sự chênh lệch về thuế nhập khẩu xăng, dầu hiện hành và đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở. Bộ Tài chính cũng cho rằng, giá cơ sở xăng dầu không phải là giá do Nhà nước ấn định hoặc phê duyệt cho từng DN đầu mối, mà chỉ là mức trần để DN căn cứ điều chỉnh (giá).

Có lẽ các bộ "quên" trong việc quản lý, điều hành giá xăng dầu, trách nhiệm của Bộ Công thương là xem xét cách tính giá và cập nhật những chính sách mới tại các hiệp định thương mại quốc tế, từ đó bàn thảo với Bộ Tài chính nhằm đưa ra chính sách phù hợp. Còn Bộ Tài chính, với chức năng quản lý về thuế, có trách nhiệm theo dõi, cập nhật những bất cập trong chính sách thuế, bảo đảm quyền lợi của "ba bên" - Nhà nước, DN và người tiêu dùng - trong việc hình thành công thức tính giá cơ sở với mặt hàng xăng dầu. Việc "quả bóng" trách nhiệm bị đẩy qua, đẩy lại, phần nào đã giải thích tại sao "lỗ hổng" trong cơ chế, chính sách lại chậm được phát hiện và sửa đổi như vậy.

Theo Thông tư 165 của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ 1-1-2015, các mặt hàng dầu như diesel, dầu hỏa nhập khẩu từ ASEAN, thuế suất thuế nhập khẩu chỉ có 5%, mazut là 0% và từ năm 2016, tất cả các mặt hàng dầu từ khu vực này sẽ hưởng thuế 0%. Đặc biệt, đối với riêng mặt hàng xăng, từ năm 2016, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc, thuế suất thuế nhập khẩu chỉ còn 10%, thấp hơn một nửa so với mức thuế theo MFN.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu: Người tiêu dùng không được hưởng lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.