Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút nguồn lực đầu tư của kiều bào

Lâm Hải| 05/05/2016 08:41

(HNM) - Hiện nay, ước tính có hơn 400.000 trí thức kiều bào Việt Nam sống ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, khoảng 300-400 trí thức kiều bào thường xuyên về nước đầu tư. Tiềm năng đóng góp tài lực và trí tuệ của cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất lớn. Hà Nội cần làm gì để thu hút nguồn lực này cho tiến trình phát triển?

Ông Trần Ngọc Phúc (trái) - kiều bào ở Nhật Bản hướng dẫn Nhật hoàng và đoàn Hoàng gia Nhật Bản thăm Nhà máy Metran.


Theo TS Nguyễn Quốc Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP Hà Nội (HALOVI), chính sách pháp luật để thu hút trí thức kiều bào đầu tư phát triển đất nước đã hoàn thiện, song không phải ai cũng biết. Điều đó đòi hỏi những người kết nối phải nỗ lực nhiều hơn để thông tin về đường lối, chính sách hay cơ hội đầu tư đến được với người Việt Nam ở nước ngoài.

Với nhận thức đó, HALOVI đã có những cách làm khá bài bản. Cụ thể, thông qua các cơ sở như Chi hội Liên lạc với người Việt Nam ở Lào - Thái Lan; Chi hội Liên lạc với người Việt Nam ở Tân Caledoni - Vanuatu; Chi hội ở Đông Âu, Tây Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc để giới thiệu về chính sách thông thoáng thu hút kiều bào về nước đầu tư kinh doanh. Theo ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp người Việt Nam tại Pháp, những buổi gặp mặt, trao đổi đã giúp kiều bào hiểu về những chính sách của Nhà nước đối với việc phát huy hiệu quả chất xám của trí thức kiều bào.

Đơn cử như với quy định miễn thị thực kéo dài đến một năm và việc mở rộng phạm vi cho thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3, thứ 4 tại Nghị định 82/2015/CP giúp kiều bào ở khắp nơi trên thế giới có thêm động lực trở về nước đầu tư, kinh doanh. Chị Trần Thanh Vân, cựu sinh viên Đại học Oxford, Việt kiều tại Vương quốc Anh - một chuyên gia về tài chính ngân hàng cho biết, qua sự kết nối của Ban lãnh đạo HALOVI, chị đã tham gia tích cực trong một số dự án đầu tư tài chính và thu được những kết quả khả quan, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô.

Chính sách cởi mở, tạo hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của kiều bào, đặc biệt là trong việc mua, sở hữu nhà ở, hồi hương, giữ quốc tịch đã tạo niềm tin và sức hút lớn để kiều bào trở về đầu tư, kinh doanh. Nhiều trí thức kiều bào đã về nước, tham gia các dự án đầu tư trong nhiều lĩnh vực thành phố đang tập trung phát triển như: Quy hoạch kiến trúc, toán học, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin… Viện nghiên cứu cao cấp về toán của GS Ngô Bảo Châu, Công ty Hóa chất - Sơn Urayphanit của bà Vũ Thị Tin - Việt kiều tỉnh Udon Thani (Thái Lan); Bệnh viện Hồng Ngọc của anh em ông Phan Vinh và Phan Quang - Việt kiều ở XaconNakhon (Thái Lan)… là những điển hình.

Điều đó cho thấy, thông tin về đường lối, chính sách; cơ hội đầu tư, chế độ ưu đãi đã đến với kiều bào. Tuy nhiên, tạo động lực thu hút chất xám của kiều bào đã khó, để họ cảm thấy đây thực sự là lựa chọn đúng lại là bài toán khó hơn rất nhiều. Phó Chủ tịch HALOVI Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: Cũng giống như xây một ngôi nhà, sau khi hoàn thiện thì phải giữ gìn làm sao để nó không xuống cấp. Điều đó đòi hỏi không chỉ HALOVI mà các cơ quan hữu trách cần nỗ lực nhiều hơn nữa để kiều bào yên tâm cống hiến tài lực, trí tuệ xây dựng Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút nguồn lực đầu tư của kiều bào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.