Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bố trí vốn xây dựng nông thôn mới: Phải sát thực, hiệu quả

Nguyễn Mai| 20/05/2016 06:37

(HNM) - Trung bình đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) của một xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí là 250 tỷ đồng, trong khi thực tế thực hiện chỉ khoảng 80 tỷ đồng. Rõ ràng đây là bất cập, có thể gây ra sự lãng phí, thất thoát.


Bao nhiêu là vừa?

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Duy Phong, bình quân kinh phí cho xây dựng đạt chuẩn NTM ở một xã trên địa bàn thành phố là 79,6 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với dự toán đề án ban đầu của các xã lập và được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đơn cử xã Ngọc Liệp (Quốc Oai), địa phương vừa hoàn thành xây dựng NTM, đề án được duyệt với kinh phí 359 tỷ đồng, nhưng khi đánh giá các tiêu chí để công nhận xã đạt chuẩn NTM, chỉ sử dụng hết 101 tỷ đồng, chủ yếu là ngân sách nhà nước. Trưởng ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM xã Ngọc Liệp Phí Minh Tấn cho biết, theo đề án được duyệt, ngân sách xã chi cho xây dựng NTM là 106 tỷ đồng (chiếm 29%), nhưng kết quả huy động đến hết năm 2015 chỉ được 12 tỷ đồng. "Không đạt mục tiêu đề ra do nguồn thu của địa phương hạn chế, công tác đấu giá đất gặp vướng mắc về hồ sơ, thủ tục, quy trình nên chưa bố trí được nguồn lực" - ông Tấn lý giải.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương cho biết, kinh phí dự kiến ban đầu cho xây dựng NTM của các xã chênh lệch xa với thực tế. Nguyên nhân là do các địa phương chưa hiểu đúng về NTM và cho rằng xây dựng NTM là đầu tư làm mới toàn bộ nên dự toán kinh phí rất lớn. Quá trình triển khai, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như: Thay vì xây dựng mới hệ thống giao thông, chỉ cần sửa chữa, cải tạo là đã đáp ứng yêu cầu. Còn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, trước đây yêu cầu mỗi thôn phải có một nhà văn hóa đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau khi nhiều địa phương có ý kiến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã điều chỉnh, cụ thể: Trong giai đoạn 2011 - 2015, các thôn, bản có thể sử dụng các nhà rông, nhà dài, đình, chùa, nhà thờ để làm nhà sinh hoạt cộng đồng…

Xã Tản Hồng, huyện Ba Vì đang ngày càng thay da đổi thịt. Ảnh: Thái Hiền


Ưu tiên xã đạt chuẩn NTM

Dự kiến nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn của thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 72.000 tỷ đồng, trong đó, 31.680 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống người dân". Sở Tài chính đề xuất, sử dụng các nguồn vốn theo phân cấp để hỗ trợ các xã đầu tư xây dựng NTM theo nguyên tắc: Tập trung hỗ trợ một phần vốn đầu tư hạ tầng thiết yếu, các chương trình, dự án, vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung; ưu tiên hỗ trợ các xã đạt chuẩn NTM, xã dân tộc miền núi. Ngân sách cấp huyện, ngân sách xã huy động từ các nguồn thu theo phân cấp, đấu giá quyền sử dụng đất và nguồn hợp pháp khác đầu tư cho công trình, dự án do cấp huyện, cấp xã quản lý. Thành phố tiếp tục vận động các quận nội thành và cơ quan, đơn vị tài trợ, ủng hộ vốn cho công trình, dự án hạ tầng kinh tế, xã hội, xử lý môi trường cho xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Đồng thời, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, HTX đóng góp hỗ trợ xây dựng NTM bằng tiền, vật tư, công lao động, hiến đất xây dựng công trình…

Ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, nhờ sự hỗ trợ của các quận nội thành, huyện đã có vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho xã nghèo, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là nhà văn hóa, trường mầm non. Ông Dần mong rằng, thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành hỗ trợ nguồn lực cho những xã còn nhiều khó khăn. Liên quan đến phân bổ kinh phí hỗ trợ, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Duy Phong đề nghị, trong năm 2016, các huyện, thị xã cần điều chỉnh và phê duyệt lại đề án xây dựng NTM từng xã, xác định cụ thể trách nhiệm các cấp ngân sách trong bố trí, huy động nguồn vốn thực hiện từng công trình, dự án và nhiệm vụ chi thuộc đề án sau điều chỉnh; xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình theo lộ trình cho từng năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn Hà Nội là 63.553 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước hơn 52.660 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách (doanh nghiệp, nhân dân đóng góp và nguồn khác…) hơn 10.890 tỷ đồng. Sau 5 năm, Hà Nội đã có 201/386 xã đạt chuẩn NTM.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bố trí vốn xây dựng nông thôn mới: Phải sát thực, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.