Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trái cây nhập khẩu và nỗi lo an toàn

Đỗ Minh| 23/05/2016 06:42

(HNM) - Kết quả kiểm nghiệm mới đây của Hệ thống Cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-PAN) đã công bố, có trên 57% loại rau quả của nước này bị phát hiện có chứa chất độc hại vượt mức an toàn.

Trái cây nhập khẩu ngày càng nhiều trong các siêu thị tại Hà Nội.


Thiếu kiểm soát

Tại các chợ hoa quả lớn của Hà Nội như Long Biên, Cầu Giấy, Hà Đông… hoặc trong các siêu thị, hoa quả Thái Lan bày bán khá nhiều. Đặc biệt, tại khu vực miền Nam, hoa quả Thái Lan được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), Thái Lan đã trở thành nhà xuất khẩu rau quả lớn nhất vào Việt Nam, năm 2015 chiếm 26,6% thị phần rau, quả ngoại nhập. 4 tháng đầu năm 2016, rau quả Thái Lan chiếm trên 38% thị phần, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 60 triệu USD, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chị Nguyễn Thị Hiền, tiểu thương bán trái cây tại chợ Long Biên cho biết: Từ khi có thông tin trái cây Trung Quốc chứa nhiều chất độc hại, người tiêu dùng quay sang dùng trái cây Thái Lan. Hiện nay, trái cây Thái Lan như chôm chôm, sầu riêng, bòn bon, xoài... được người tiêu dùng nội địa ưa chuộng bởi giá không quá cao.

TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng: Trái cây Thái Lan được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng bởi có mẫu mã đẹp, giá bán phải chăng, một số loại chất lượng tốt hơn trái cây trong nước. Ngoài ra, do công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu của Thái Lan tốt nên dù có tiềm năng về sản xuất trái cây như Việt Nam nhưng trái cây ngoại vẫn tràn ngập thị trường trong nước. Trong khi đó, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, những con số thống kê lượng trái cây nhập khẩu từ các quốc gia vào Việt Nam là con số bề nổi được kiểm soát trên giấy tờ thông quan, còn lượng lớn được nhập qua đường tiểu ngạch thì cơ quan chức năng chưa kiểm soát, thống kê hết.

Thua ngay trên sân nhà

Theo kết quả Tổ chức Thai-PAN thông báo, các mẫu trái cây bị nhiễm dư lượng độc hại quá tiêu chuẩn của nước này gồm: Mẫu cam, ổi 100%; thanh long 71,4%; đu đủ 66,7% và xoài Nam Dok Mai 44,4%. Trước thông tin này, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với bộ, ngành liên quan để xác minh và có những biện pháp kiểm soát, khuyến cáo người tiêu dùng. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: Phần lớn trái cây nhập khẩu vào Việt Nam theo con đường chính ngạch đều được kiểm dịch tốt, những loại quả mất an toàn sẽ không được thông quan. Tuy nhiên, nguồn hàng được nhập qua tiểu ngạch thì không kiểm soát được chất lượng.

Theo TS Nguyễn Minh Châu, Viện Cây ăn quả miền Nam, về chất lượng, nhiều loại trái cây Việt Nam hơn hẳn Thái Lan. Song do ta chưa gắn sản xuất với thị trường nên trái cây Việt chưa đến được nhiều với người tiêu dùng trong nước. Ví dụ như xoài, chôm chôm của Việt Nam chất lượng hơn hẳn Thái Lan nhưng người tiêu dùng vẫn thích chọn 2 loại trái cây này của Thái Lan. TS Nguyễn Minh Châu cho rằng, kết quả khảo sát của Tổ chức Thai-PAN mới công bố sẽ là hồi chuông cảnh báo việc quản lý trái cây nhập khẩu vào nước ta, đồng thời cũng là cơ hội cho trái cây của Việt Nam lấy lại thị trường trong nước.

Thực tế, lượng trái cây Việt Nam nhập khẩu mỗi năm không nhỏ, nhưng chưa chú trọng đến chất lượng nhập khẩu. Do đó, đi đôi với đẩy mạnh xuất khẩu, cần quan tâm và khai thác lợi thế từ thị trường trong nước. Thời gian tới, ngành trái cây cần tổ chức lại sản xuất, hướng tới chất lượng, giá thành để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Làm tốt điều này còn kiểm soát được chất lượng đầu vào sản phẩm, bảo đảm cung cấp nông sản sạch tới tay người tiêu dùng và bảo vệ lợi ích cho nền nông nghiệp nước ta. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trái cây nhập khẩu và nỗi lo an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.