Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết những “rào cản”

Ngọc Quỳnh| 30/05/2016 06:15

(HNM) - Để cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn, dễ dàng truy xuất nguồn gốc... là yêu cầu tất yếu.

Thực tế những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi đã và đang dần chuyển từ hình thức nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn, tuy nhiên việc xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung còn không ít khó khăn do cơ sở hạ tầng còn chắp vá, quy mô trang trại nhỏ còn nhiều, người chăn nuôi thiếu vốn… Những "rào cản" đã được nhận diện từ lâu, vấn đề còn lại là cần... sớm có biện pháp giải quyết hiệu quả.

Một trang trại bò sữa quy mô lớn trên địa bàn huyện Ba Vì. Ảnh: Bá Hoạt


Nhiều bất cập

Theo ông Vũ Trọng Bình - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có 20.000 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, xa khu dân cư, nhờ đó dễ kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các vùng chăn nuôi tập trung còn nhiều tồn tại: Nhiều địa phương cho rằng chăn nuôi tập trung là gom các hộ nuôi nhỏ lẻ vào một nơi khiến một số khu chăn nuôi tập trung đang biến thành gia trại. Một số địa phương sau dồn điền, đổi thửa đã dành đất cho chăn nuôi tập trung, nhưng các hộ có đất lại không có khả năng tài chính, không có kinh nghiệm; trong khi đó, các hộ có vốn thì không có đất. Thực tế, các khu đất khi chuyển đổi vào khu chăn nuôi tập trung không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên các trang trại không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi tại các khu chuyển đổi chưa được giải quyết triệt để, do kinh phí đầu tư lớn, các hộ chỉ xây dựng hầm biogas mới chỉ khắc phục được phần nào ô nhiễm. Theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, khoảng 94% số hộ nuôi lợn, quy mô 3-100 con/hộ, gây ô nhiễm môi trường lớn, khí độc NH3, H2S có trong không khí cao gấp 4 lần, hàm lượng COD (nhu cầu ôxy hóa học) 3.916mg/lít, trong khi tiêu chuẩn cho phép chỉ từ 100 đến 400mg/lít.

Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, quy hoạch ở các huyện, thị xã mới dừng lại ở khoanh vùng chăn nuôi mà chưa chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Các hộ chăn nuôi nhỏ chưa quan tâm đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố vì mức đầu tư lớn. Theo bà Vũ Thị Viện, hộ chăn nuôi lớn ở xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, để đầu tư xây dựng quy mô trang trại 4.000m2, kinh phí lên tới 1-2 tỷ đồng, chưa tính xây dựng khu xử lý nước thải nên đầu tư đồng bộ rất khó khăn. Theo chính sách hiện hành, thành phố chỉ hỗ trợ xây dựng các công trình ngoài hàng rào, còn đường giao thông, đường điện ra các trang trại nông dân phải tự làm, trong khi chăn nuôi theo hướng công nghiệp là theo quy trình khép kín nên nhu cầu điện khá lớn. Vào mùa hè, do đường điện không bảo đảm, công suất các trạm biến áp chưa đáp ứng nhu cầu của các trang trại, dẫn tới dòng điện "phập phù", ảnh hưởng tới quá trình sản xuất.

Ưu tiên vùng có lợi thế

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đánh giá: Chăn nuôi tập trung là xu hướng tất yếu để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm đủ sức cạnh tranh với thực phẩm nước ngoài. Để làm được việc này, các bộ, ban, ngành cần quy hoạch tổng thể các vùng chăn nuôi trọng điểm, với loại vật nuôi như lợn, gia cầm, bò sữa, trâu, bò thịt... nhằm phát huy lợi thế về sinh thái, khả năng đầu tư của từng vùng, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu. Xây dựng các chợ đầu mối, trung tâm hội chợ giao dịch vật tư, nguyên liệu chăn nuôi, thú y, đấu giá con giống và các sản phẩm chăn nuôi phạm vi vùng để hình thành vùng nguyên liệu tập trung cung cấp cho các trang trại. Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, các địa phương cần tiến hành quy hoạch chi tiết phát triển cho từng loại vật nuôi phù hợp với quy hoạch tổng thể của ngành và phát huy lợi thế của từng địa phương; kéo dài thời gian cho thuê đất để người dân có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

Các hộ chăn nuôi đều đề nghị Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng đa dạng hình thức, phương thức tín dụng theo hướng tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư chăn nuôi, giết mổ, chế biến dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, cấp thoát nước… tới các khu chăn nuôi tập trung, công nghiệp theo hướng đầu tư bài bản, tránh tình trạng dàn trải, chắp vá. Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây) Trần Văn Chiến cho biết, để duy trì và mở rộng các vùng chăn nuôi tập trung, ngoài việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ xây dựng khu xử lý nước thải chung hiện đại, để giải quyết triệt để khâu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn, dễ dàng truy xuất nguồn gốc... là yêu cầu tất yếu. Nếu những "rào cản" - đã được nhận diện - sớm có giải pháp khắc phục một cách hiệu quả, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi sẽ ngày càng sáng sủa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết những “rào cản”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.