Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp nội địa đóng góp... khiêm tốn

Hồng Sơn| 30/05/2016 06:38

(HNM) - 5 tháng đầu năm 2016 đã đi qua nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn chuyển biến chậm, chưa có sự bứt phá để có thể bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu cả năm. Đáng chú ý, trong "cơ cấu" tổng kim ngạch xuất khẩu, phần đóng góp của doanh nghiệp (DN) nội địa là rất khiêm tốn.

Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cả nước trong nửa đầu tháng 5 chỉ đạt khoảng 6 tỷ USD, giảm 14,5% so với 15 ngày cuối tháng 4-2016, do sự giảm sút của một số nhóm hàng quan trọng như sản phẩm gỗ, thủy sản, dệt may… Mặc dù gia tăng trở lại trong nửa cuối tháng 5, đưa KNXK tháng 5 lên 14,6 tỷ USD và 5 tháng đầu năm đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng con số này cho thấy chưa thể an tâm khi tốc độ tăng trưởng thấp hơn hẳn so với mục tiêu 10% đề ra cho năm 2016.

Thực tế KNXK của DN thuộc khu vực trong nước khá thấp, chỉ đạt 19,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2015 và thấp hơn hẳn so với mức tăng chung của cả nước. Điều này cho thấy, DN nội chưa thoát khỏi tình trạng "còi cọc", hồi phục chưa rõ nét do đối diện nhiều khó khăn, nhất là thiếu sức cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa, cũng đồng nghĩa thực tế kết quả xuất khẩu chủ yếu vẫn dựa vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài.

Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ đối với nhiều loại nguyên liệu, vật tư, mặt hàng tiêu dùng giảm sút, kể cả một số mặt hàng xuất khẩu vốn luôn nóng của Việt Nam như máy tính và linh kiện, giày dép, dệt may... Bên cạnh đó, việc dầu thô mất giá và "neo" ở mức thấp trong những tháng qua là tác nhân trực tiếp gây thất thu đối với hoạt động xuất khẩu. Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh xác nhận, những yếu kém nội tại của DN càng bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh bất lợi. Hiện 84% đơn vị thành viên đối diện khó khăn, 16% cho rằng có thể rút khỏi thị trường hoặc chuyển đổi sang lĩnh vực khác. Trong đó, những DN làm hàng xuất khẩu quy mô nhỏ ngày càng yếu, dễ bị thiệt hại trước những biến động trên thị trường.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chỉ ra rằng, nông sản, thủy sản là ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang được các đối tác nhập khẩu gia tăng yêu cầu chất lượng, đưa ra quy định khắt khe hơn trước. Bên cạnh đó, hàng của ta phải cạnh tranh với hàng các nước khác ở mức cao hơn, do họ tăng sản lượng xuất khẩu. Yếu tố về giá cũng là vấn đề bị động và hoàn toàn do thị trường quốc tế quyết định. "Trong bối cảnh đó, việc dự báo và lập kế hoạch phải được tính toán linh hoạt, đầy đủ các yếu tố tác động chủ quan - khách quan. Nếu luôn đặt mục tiêu tăng trưởng 10%/năm không hẳn là hợp lý" - ông Phong nhận định.

Cũng do KNXK tăng thấp nên cán cân xuất - nhập khẩu đã "đảo chiều", tạm thời chuyển sang nhập siêu trong tháng 5, thay vì xuất siêu như các tháng trước, tạo ra gánh nặng cho những tháng còn lại của năm kế hoạch. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trước tình hình trên, Bộ đang chủ động khuyến khích phát triển sản xuất, tăng nguồn hàng cho xuất khẩu; rà soát, điều chỉnh chính sách để thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu; khuyến khích đầu tư sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao và hàng hóa thay thế nhập khẩu. Bộ Công thương sẽ tận dụng các hiệp định thương mại tự do, tổ chức đồng bộ hoạt động cung cấp thông tin cho DN, dự báo tình hình, tăng cường công tác xúc tiến thương mại… để phát triển thị trường. Tuy nhiên, phía DN cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã và đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng quốc tế.

Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2020, đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 11-12%/năm. Vì vậy, nếu không có biện pháp hữu hiệu, tận dụng triệt để những cơ hội mới thì chắc chắn hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp nội địa đóng góp... khiêm tốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.