Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cạnh tranh Viettel - VNPT: Tình thế buộc phải "bơi" nhanh

Việt Nga| 10/06/2016 06:59

(HNM) - Không chỉ là ví von, những diễn biến trên thị trường viễn thông, mà chủ yếu giữa hai tập đoàn VNPT và Viettel đã cho thấy rõ tình thế này.


Năm 2010, khi Tập đoàn VNPT đặt mục tiêu đạt doanh thu năm 100.000 tỷ đồng, không ít chuyên gia và dư luận lo ngại liệu VNPT có tiếp tục giữ được vị trí số 1 trên thị trường. Băn khoăn này là có cơ sở vì với những gì công bố, ở giai đoạn này, Viettel bắt đầu đạt doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng gần gấp đôi năm trước. Cụ thể, hết năm 2010 VNPT đạt doanh thu khoảng 101.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 11.000 tỷ đồng; Viettel, đạt doanh thu khoảng 91.000 tỷ đồng và lợi nhuận thì cao hơn VNPT, đạt 15.500 tỷ đồng. Đến năm 2011, kết quả cả hai tập đoàn này vẫn đạt chỉ tiêu doanh thu cao, tương ứng với 117.000 tỷ đồng và 116.000 tỷ đồng, nhưng riêng chỉ số lợi nhuận thì Viettel cao gấp đôi so với VNPT (Viettel đạt 20.000 tỷ đồng, VNPT là 10.000 tỷ đồng). Mà lợi nhuận mới là chỉ số sống còn và có ý nghĩa quyết định đối với DN.

Kết thúc năm 2012, lần đầu tiên Viettel vượt VNPT cả về chỉ số doanh thu lẫn lợi nhuận, trở thành DN viễn thông số 1 trên thị trường. Tình thế hai bên lúc này là, Viettel đạt doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 27.000 tỷ đồng (sau thuế hơn 24.000 tỷ đồng); ngược lại VNPT chỉ đạt doanh thu hơn 130.000 tỷ đồng và lợi chuẩn bằng gần 1/3 của Viettel khi chỉ đạt 8.500 tỷ đồng.

Lý do khiến VNPT "tụt dốc" đã được chính người trong cuộc, cơ quan quản lý chỉ rõ. Song, ngắn gọn thì đó chính là sự chậm đổi mới của DN. Hay nói cách khác là hệ quả tất yếu của việc "bơi chậm". Theo chỉ đạo của Chính phủ, VNPT bắt tay thực hiện tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động; cùng với đó là sự thay đổi lãnh đạo cấp cao tại tập đoàn. Cuối năm 2015, sau hơn 3 năm thực hiện, VNPT đã hoàn thành những bước đi cơ bản và quan trọng của quá trình tái cấu trúc để ổn định về mô hình, tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Hậu quả của sự xuống dốc trước đó đã khiến VNPT mất dần thị phần quan trọng là lĩnh vực di động. Thị trường cố định vốn chiếm ưu thế thì cũng liên tục giảm do xu hướng phát triển, trong khi chi phí bảo dưỡng, duy trì không giảm. Mảng internet được coi là thế mạnh nhưng cũng phải cạnh tranh quyết liệt với Viettel, FPT ở các thành phố lớn, khu đô thị.

Thực tế thì sau khi tái cấu trúc, các kết quả kinh doanh của VNPT có khởi sắc. Song VNPT thay đổi, phát triển không có nghĩa là các đối thủ Viettel, FPT "ngồi im" mà họ cũng tiếp tục tăng trưởng mạnh. Viettel vẫn dẫn đầu, bỏ khá xa VNPT ở mảng kinh doanh di động (tất nhiên còn có lý do tách MobiFone khỏi VNPT). FPT rất mạnh trong kinh doanh internet cáp quang tại hai thị trường chủ chốt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vậy, câu chuyện bây giờ của VNPT là duy trì thị phần đã có (cạnh tranh di động với MobiFone và Viettel; cạnh tranh internet với Viettel và FPT) chứ chưa nói đến những chuyện khác như trở lại số 1 trên thị trường.

Thời gian tới, câu chuyện về cạnh tranh trên thị trường viễn thông không dừng lại ở vấn đề "alo", mà là ở sản phẩm giải pháp CNTT được cung cấp trên hạ tầng băng rộng cho các cơ quan hành chính, cho các ngành. Đây là những "vũ khí" chiến lược trong tương lai của VNPT với các đối thủ. Trong khuôn khổ hội nghị "Hợp tác và đầu tư" do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 4-6, VNPT có ký thỏa thuận hợp tác với TP Hà Nội, cam kết giúp thành phố xây dựng chính quyền điện tử. Nhưng cũng tại hội nghị này Hà Nội cũng ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viettel. Điều này cho thấy, cả hai sẽ cùng bước vào cuộc cạnh tranh mới và cơ hội chia đều cho hai bên.

Các chuyên gia đã từng nhận định, lĩnh vực mang lại doanh thu cho nhà mạng trong thời gian tới chính là các dịch vụ VT-CNTT, nhất là trong thời kỳ của sự phát triển internet…Vậy trong cuộc đua này, VNPT có lại "bơi chậm" như những lần trước?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cạnh tranh Viettel - VNPT: Tình thế buộc phải "bơi" nhanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.