Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chuyển phù hợp, tránh lãng phí

Hương Ly| 24/06/2016 06:59

(HNM) - Có khoảng 7.000 xe công dôi dư sau khi rà soát tiêu chuẩn, định mức về chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Theo tính toán của Bộ Tài chính, kinh phí ngân sách phải trả để


Hình ảnh hàng chục xe ô tô công xếp hàng dài trước nhà một vị lãnh đạo cấp Sở tại TP Hồ Chí Minh mới đây gây xôn xao dư luận.



Sử dụng sai mục đích diễn ra phổ biến

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2015, do Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tháng 6 cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công liên quan đến mua sắm tài sản nhà nước (TSNN), nhất là mua sắm xe ô tô.

Tuy nhiên, qua triển khai Quyết định 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 159/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, dự kiến dôi ra khoảng 7.000 xe ô tô công. Con số này cho thấy, còn khá nhiều xe công được trang bị không đúng tiêu chuẩn định mức. Đặc biệt, kinh phí NSNN mỗi năm phải chi để nuôi số xe công dư thừa này không hề nhỏ.

Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN, chi phí bình quân nuôi một xe công khoảng 310 triệu đồng/năm, bao gồm: Lương, công tác phí cho lái xe khoảng 70 triệu đồng, nhiên liệu 100 triệu đồng, khấu hao xe 80 triệu đồng, bảo hiểm, chi phí sửa chữa… khoảng 60 triệu đồng. Trong khi, việc sử dụng xe công vào mục đích riêng, sử dụng xe sai đối tượng diễn ra khá phổ biến. Việc tổ chức khoán xe công hầu như "dậm chân tại chỗ", vì chế độ khoán 10 triệu đồng/tháng cho một chức danh đủ tiêu chuẩn, được cho là không hấp dẫn.

Điều chuyển, thanh lý xe thừa nộp ngân sách

Tại cuộc họp báo chuyên đề mới đây của Bộ Tài chính về mua sắm TSNN theo phương thức tập trung, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, để nâng cao hiệu quả quản lý TSNN, trong đó có xe ô tô công, tới đây sẽ thực hiện mua sắm tập trung (MSTT) tài sản công. Bên cạnh đó, sẽ công khai nhu cầu mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả mua sắm, thậm chí công khai cả khoản hoa hồng, khuyến mãi của nhà cung cấp... nhằm minh bạch hóa quy trình này. Phương thức MSTT, qua thực hiện thí điểm đã giúp khắc phục tình trạng mua sắm TSNN vượt tiêu chuẩn, vượt định mức.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi thực hiện Quyết định 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng định mức mỗi đơn vị chỉ được sử dụng 1-2 xe công và áp dụng phương pháp mua sắm TSNN theo phương thức tập trung, NSNN sẽ cắt giảm được khoảng 15% tổng giá trị mua sắm công mỗi năm. Với giá trị mua sắm công mỗi năm chiếm khoảng 20% chi NSNN, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng/năm, số tiền tiết kiệm được khi thực hiện phương thức MSTT tương đương 30.000 tỷ đồng/năm. Theo phương án được Chính phủ nêu trong tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 7.000 xe công dôi dư sau khi rà soát tiêu chuẩn định mức sẽ được điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị còn thiếu xe. Số còn lại sẽ bán, thanh lý, thu tiền nộp NSNN theo quy định.

Bình luận về thực trạng xe ô tô công bị sử dụng sai mục đích, gây bức xúc trong dư luận, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, vai trò giám sát của người dân rất quan trọng. Khi dư luận nhân dân có ý kiến, các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm xem xét, kiểm tra. Khi có thông tin của người dân, các đại biểu Quốc hội sẽ có cơ sở để yêu cầu làm rõ và trên cơ sở đó xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật.

Trước thực tế hằng năm NSNN phải dành một khoản không nhỏ để mua sắm, trang bị thêm xe ô tô công, ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, cần phải chấn chỉnh bệnh nể nang khi phê duyệt mua sắm xe công. "Nếu chúng ta cùng nghiêm túc thực hiện và công khai cho nhân dân giám sát, tôi tin rằng sẽ hạn chế được hiện tượng lãng phí xe công. Để việc sử dụng xe công đúng mục đích, nên chú trọng 3 giải pháp. Thứ nhất, phải rà soát tiêu chuẩn được sử dụng xe công. Tiếp đó, tăng cường và làm rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên trách quản lý vấn đề này. Bởi, người "gác cửa" không hoàn thành nhiệm vụ thì vấn đề lãng phí xe công khó được giải quyết. Đặc biệt, phải xem xét trách nhiệm trực tiếp của người sử dụng xe công, đồng thời công khai, minh bạch các đối tượng, tiêu chuẩn sử dụng xe công để người dân biết việc sử dụng có đúng đối tượng, đúng mục đích hay không. Nếu thực hiện tốt các giải pháp đó sẽ góp phần chấn chỉnh việc quản lý và sử dụng xe công" - ông Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ Tài chính, số lượng xe công của Việt Nam (tính đến năm 2014) lên tới 40.000 xe, chưa bao gồm xe tại các đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước. Với kinh phí nuôi xe ô tô công 310 triệu đồng/xe/năm, NSNN mỗi năm sẽ tiêu tốn khoảng 12.400 tỷ đồng để duy trì số xe công này.

Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cũng cho thấy, riêng năm 2015 đã mua mới 611 xe ô tô công, với tổng nguyên giá 603 tỷ đồng. Cũng trong năm 2015, đã điều chuyển 304 xe công, với tổng nguyên giá 197 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chuyển phù hợp, tránh lãng phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.