Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng nghề truyền thống đi buôn thời @

Theo Pháp luật VN| 29/06/2016 07:44

Hôm qua (28/6), sàn giao dịch điện tử Làng nghề Đồng Kỵ đã chính thức ra đời tại địa chỉ http://dongkyfuniter.com, được xem là bước đi mới trong thời kỳ công nghệ thông tin của một làng nghề truyền thống…


Lễ ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử làng nghề Đồng Kỵ


Để tên tuổi ngày càng lan tỏa

Cũng như các làng nghề khác trong cả nước, làng nghề gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng đứng trước những thách thức lớn của hội nhập. Ông Nguyễn Văn Mão, Trưởng ban Kiểm tra - Hiệp hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, người có 60 năm gắn bó với nghề cho biết, sản phẩm của làng nghề chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Có những thời điểm khó khăn, sản phẩm của làng nghề phải xuất sang Thái Lan, Campuchia.

Làng nghề có khoảng 300 doanh nghiệp và 2.500 hộ sản xuất kinh danh đồ gỗ mỹ nghệ với nhiều sản phẩm sơ chế, gia công cho các đối tác Trung Quốc. Điều đáng buồn là sau khi xuất khẩu, nhiều sản phẩm được tinh chế lại, gắn tên thương hiệu của các cơ sở Trung Quốc và đương nhiên không còn ai biết đến danh tiếng của gỗ Đồng Kỵ. Thậm chí ngay cả tại thị trường trong nước, sản phẩm của làng nghề này cũng bị làm giả, làm nhái tràn lan…

Năm 2011, Hiệp hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đã chính thức ra đời với mục đích kết nối các hộ gia đình thành một tập thể vững mạnh và hướng tới mục tiêu mang sản phẩm đồ gỗ của làng nghề tới mọi gia đình không chỉ trong nước mà hướng tới thị trường ngoài nước. Tháng 8/2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Gỗ Đồng Kỵ”- Thương hiệu quốc gia gắn với bảo hộ độc quyền cho các sản phẩm gỗ Đồng Kỵ.

Với việc ra mắt sàn giao dịch điện tử làng nghề Đồng Kỵ, theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ Vũ Quốc Vương, không chỉ giúp cho làng nghề quảng bá được thương hiệu mà còn giúp làng nghề tìm kiếm cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường...

“Chúng tôi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm đồ gỗ làng nghề Đồng Kỵ. Tôi thấy rất nhiều tiện ích bởi thông tin nhanh nhạy, khách hàng chỉ cần liên hệ qua điện thoại là bất kể lúc nào cũng có thể đặt hàng được. Từ ngày “lên sàn”, điện thoại của tôi ngày nào cũng có vài cuộc gọi đặt hàng ở tận các địa phương xa như Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Giang... Bà con chúng tôi ai cũng phấn khởi vì bán được nhiều sản phẩm hơn…”, một người chia sẻ.

Dán tem từng sản phẩm

Tham gia hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đều có thể tự quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình đến với khách hàng một cách nhanh nhất. Còn có tiêu chí quảng cáo phải đúng với chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý nhất. Những yếu tố này sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển thương hiệu gỗ Đồng Kỵ bền vững.

Để được tham gia sàn giao dịch này, các sản phẩm đều được trải qua quá trình gia công nghiêm ngặt bởi các thợ thủ công điêu luyện lành nghề, trước khi xuất xưởng sản phẩm đều có dán tem thương hiệu gỗ Đồng Kỵ. Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Mão cho biết, việc quản lý tem dán cũng rất nghiêm ngặt, doanh nghiệp chỉ được xuất bán khi có chữ ký xác nhận của Ban Kiểm tra và đích thân người của Ban Kiểm tra sẽ dán nhãn trên từng sản phẩm.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trước những thách thức từ các Hiệp định thương mại mới như TPP và Hiệp định Đối tác tự nguyện FLEGTY/VPA mà Việt Nam đang đàm phán tham gia, làng nghề Đồng Kỵ đang có những bước chuẩn bị để đa dạng hóa thị trường, trong đó châu Âu là mục tiêu hướng tới. “Bên cạnh những kiểu dáng, hoa văn truyền thống, chúng tôi cũng đang nghiên cứu, cập nhật những mẫu mã hiện đại mang phong cách châu Âu, đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc gỗ, một yêu cầu quan trọng của FLEGTY/VPA. Việc ra mắt sàn thương mại điện tử là một bước quan trọng để làng nghề hội nhập…”, ông Vương khẳng định.

Không dừng ở đó, từ việc ra mắt sàn giao dịch, ý tưởng liên kết hình thành chuỗi du lịch làng nghề cũng đang được những người dân làng nghề tính tới...

Ông Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh Bắc Ninh: “Sàn Giao dịch thương mại điện tử đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao uy tín, hình ảnh doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất, chi phí thông tin liên lạc, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng.

Để sàn thực sự phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như gian hàng; coi đây là một kênh quan trọng và hiệu quả để quảng bá hình ảnh, sản phẩm, ký kết hợp đồng và chăm sóc khách hàng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn cho doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn, nâng cấp công tác quản trị sàn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm…”.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề truyền thống đi buôn thời @

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.