Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu nông sản: Đối diện không ít thách thức

Việt Phong| 06/07/2016 06:49

(HNM) - 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản cán mốc hơn 15 tỷ USD là tín hiệu vui trong bối cảnh ngành nông nghiệp tăng trưởng âm.


Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia... Ảnh: Khánh Huy


Chú trọng thị trường trọng điểm

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã XK gần 4.610 tấn trái cây tươi sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, tăng 81% so cùng kỳ năm ngoái. Không riêng XK trái cây, hầu hết các mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su, thủy sản đều tăng trưởng mạnh. Thống kê của Bộ NN&PTNT, kim ngạch XK nông sản 6 tháng đầu năm đạt hơn 15 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Bích, chuyên gia phân tích thị trường nông nghiệp cho hay: Hiện XK nông sản của Việt Nam tập trung chủ yếu vào những thị trường trọng điểm như: Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Châu Phi... Một trong những thị trường XK của Việt Nam là Hoa Kỳ được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới; riêng mặt hàng rau quả XK có tốc độ phát triển vượt bậc.

Theo ông Nguyễn Văn Bích, trước đây, các loại trái cây như thanh long, xoài, vải thiều, nhãn... chưa bao giờ xuất ngoại, thì nay đã thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản... Nếu giữ được kết quả XK rau, hoa quả như thời gian qua, cuối năm nay, mặt hàng này có thể mang về hơn 2 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: "Việt Nam có 11 mặt hàng XK nông sản chủ yếu cho giá trị lớn. Nhiều mặt hàng đã đạt tới ngưỡng khó có thể tăng thêm, nhưng cũng nhiều mặt hàng chưa phát huy hết tiềm năng, do đó cần duy trì những mặt hàng có thế mạnh, song phải tập trung nâng cao sản xuất và XK những mặt hàng mới, có thế mạnh".

Khó khăn ở phía trước

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (ISPARD), tính đến cuối tháng 5-2016, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm sản lượng lúa đông xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm gần 1,1 triệu tấn. Nước biển xâm nhập sâu hơn thông thường trung bình hằng năm từ 10 đến 25km cũng khiến sản lượng tôm sú giảm 12%, tôm thẻ giảm 14% so với cùng kỳ. Ngoài ra, hạn hán còn làm một số diện tích cà phê chết khô, năng suất kém, năng suất trái cây có múi và dừa, hạt tiêu đều giảm mạnh. Nếu không có biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai thì sản lượng hàng hóa XK của Việt Nam trong những năm tiếp theo sẽ bị tác động lớn. Ngoài ra, vấn đề chất lượng vẫn là "bài toán" nan giải của XK nông sản Việt Nam.

TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng ISPARD cho rằng: Việt Nam có thế mạnh sản xuất nông sản chất lượng. Đã đến lúc, ngành nông nghiệp cần chọn “chất” và duy trì “lượng”. TS Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh: “Khi sản xuất trong nước đối diện nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn thì chúng ta cần tính đến bài toán về lượng… Việc tăng chất lượng sản phẩm sẽ tăng giá trị XK. Không phải số lượng XK lớn thì lợi nhuận lớn. Với các thị trường tiềm năng như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… việc chất lượng tăng sẽ kéo theo lợi nhuận tăng”.

Theo ông Phạm Quang Diệu, Công ty Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam, việc thiếu đánh giá về thị trường và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm là hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp XK nông sản Việt Nam. Đặc biệt, Liên minh Châu Âu (EU) vừa đồng ý bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực là một tín hiệu đáng mừng vì hầu hết các sản phẩm bảo hộ đều là nông sản. Các doanh nghiệp XK cần tận dụng điều đó để quảng bá và xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền sản phẩm của mình. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với nông sản Việt Nam, bởi công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý chỉ là bước đầu, biến đây thành lợi thế là vấn đề các bộ, ngành và doanh nghiệp cần sớm có giải pháp.

Viện trưởng ISPARD - TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng: Một yếu tố khác gây bất lợi cho XK nông sản của Việt Nam là việc hàng loạt ngân hàng trung ương các quốc gia đã có xu hướng giảm giá đồng nội tệ để hỗ trợ XK.

Ví dụ, đồng real của Brazil giảm 42% so với USD, đồng peso của Colombia giảm 37%, đồng rupee của Ấn Độ giảm 5%, đồng rupiah của Indonesia giảm 13%, đồng baht của Thái Lan giảm 5%, trong khi VND chỉ giảm 3% so với đồng USD. Điều này làm cho giá hàng nông sản Việt Nam cao hơn các nước và làm giảm khả năng cạnh tranh. Do đó, ngoài việc đối diện với những hạn chế của sản xuất trong nước và XK trên thị trường thế giới, nông sản Việt còn phải đối diện với những “biến động” về tiền tệ, thị trường, thiên tai… trên thế giới. Do vậy, khó khăn phía trước là rất lớn, cần nhiều nỗ lực để vượt qua. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu nông sản: Đối diện không ít thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.