Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mua sắm công trong TPP, EVFTA: “Cuộc chơi” sòng phẳng theo luật quốc tế

Thanh Hiền| 19/07/2016 06:57

(HNM) - Cạnh tranh sòng phẳng trong lĩnh vực mua sắm công - mua sắm chính phủ (MSCP) là một trong những thay đổi lớn nhất khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Tự do thương mại (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Các doanh nghiệp phải chủ động tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi tham gia TPP, EVFTA. Ảnh: Duy Anh


Thời gian để doanh nghiệp (DN) cũng như các sở, ngành thích ứng với những thay đổi trong yêu cầu MSCP và sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà thầu quốc tế không nhiều, song vẫn có những DN cũng như sở, ngành của Hà Nội chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Doanh nghiệp Hà Nội vẫn thờ ơ

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng như Luật Đấu thầu, MSCP của TPP đưa ra các quy tắc, quy trình lựa chọn nhà thầu ở mức độ, yêu cầu cao hơn về tính công bằng, công khai, minh bạch. Việt Nam sẽ phải tổ chức lựa chọn nhà thầu trong khối các nước tham gia TPP (đấu thầu nội khối) hoặc đấu thầu quốc tế. Nguyên tắc cơ bản nhất của MSCP là không phân biệt đối xử, không được sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa, nhà thầu trong nước, cũng như bất kỳ biện pháp nào để gia tăng hàm lượng nội địa hoặc đưa ra các yêu cầu về chuyển giao công nghệ. Mỗi nước thành viên sẽ phải liệt kê các cơ quan mua sắm, ngưỡng giá gói thầu "mở cửa", danh mục hàng hóa, dịch vụ (kể cả dịch vụ xây dựng). Cơ chế ưu đãi về giá, các biện pháp ưu đãi cho DN trong nước cũng giảm dần theo thời gian. Thay vào đó, DN trong nước phải chấp nhận “cuộc chơi” theo luật pháp quốc tế và từng thành viên EU hoặc TPP. Đáng chú ý, mua sắm công theo quy định của TPP, EVFTA còn khuyến khích chống tham nhũng trong đấu thầu.

Nhận định về yêu cầu minh bạch trong MSCP, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hội nhập kinh tế quốc tế TP Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, đạt yêu cầu về minh bạch là khó khăn lớn nhất nhưng cũng là ưu thế lớn nhất, khi tham gia các FTA lớn như TPP. Về mặt tích cực, tính cạnh tranh sẽ cao hơn, chất lượng hàng hóa sẽ tốt hơn. Hiện, hầu hết hàng hóa trong gói thầu MSCP của Việt Nam nếu sản xuất được, thì chất lượng cũng không thể bằng hàng hóa của các nước trong khối; nhà thầu của họ cũng chuyên nghiệp hơn, năng lực cao hơn và sẵn sàng khởi kiện nếu không được đối xử công bằng… Nhờ thế, tiền thuế của người dân sẽ được chi tiêu hiệu quả hơn.

Điều đáng lo ngại là thời gian để DN cũng như các sở, ngành thích ứng với MSCP không nhiều (khoảng 2 năm khi TPP có hiệu lực), nhưng không ít DN, sở, ngành của Hà Nội chưa thực sự quan tâm. "MSCP là lĩnh vực mà Việt Nam chưa từng có cam kết quốc tế nào ràng buộc trước đây. Các thành viên của cả EVFTA và TPP đều có những quy định rất khắt khe đối với các gói thầu mua sắm bằng tiền ngân sách, vì vậy, DN Việt Nam với năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế, nếu không chuẩn bị từ bây giờ thì nguy cơ tuột mất các gói thầu này là rất lớn" - ông Nguyễn Thanh Hải nói.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về mua sắm công

Hiệp định TPP, EVFTA với phạm vi cam kết rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực, được dự báo sẽ có ảnh hưởng lớn tới thể chế pháp luật và kinh tế của Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, nghiên cứu, rà soát của Cục Quản lý đấu thầu cho thấy, có khá nhiều nghĩa vụ cam kết trong EVFTA đã được tuân thủ theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, nhất là ở những vấn đề liên quan đến minh bạch và cạnh tranh.

Trưởng phòng Chính sách - Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Thị Diệu Phương cho biết rõ hơn, pháp luật về MSCP của nước ta chủ yếu thuộc hệ thống pháp luật đấu thầu. Hệ thống này vừa qua một đợt sửa đổi lớn, với Luật Đấu thầu được ban hành năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1-7-2014. Đây là thời điểm Việt Nam đã trở thành quan sát viên của Ủy ban Hiệp định MSCP (GPA), đồng thời đang trong giai đoạn đàm phán TPP và EVFTA. Vì vậy, để chuẩn bị cho quá trình hội nhập sâu hơn, Việt Nam đã chủ động đưa những nguyên tắc cơ bản của GPA vào Luật Đấu thầu 2013. Bên cạnh đó, GPA bao gồm khá nhiều nguyên tắc liên quan tới minh bạch và cạnh tranh trong thủ tục đấu thầu, nên rất thích hợp làm chuẩn để Việt Nam tham khảo trong quá trình sửa đổi luật.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều điểm khác biệt giữa cam kết của TPP hay EVFTA so với Luật Đấu thầu hiện hành của Việt Nam, như các cam kết về sử dụng phương tiện điện tử, lý do lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu, thời hạn tối thiểu để nộp hồ sơ thầu, điều kiện tham dự thầu… Vì vậy, các cơ quan chức năng đang phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với cam kết quốc tế. Ông Trần Trung Kiên, chuyên gia về đấu thầu của Ngân hàng Thế giới kiến nghị, cần rà soát tổng thể các cam kết về MSCP trong các hiệp định. Trước khi Việt Nam mở cửa thị trường đấu thầu trong nước theo cam kết, cần chuẩn bị các hàng rào kỹ thuật “thông minh” để bảo đảm vừa không vi phạm các quy định, nhưng vẫn đủ để ngăn chặn hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng vào thị trường trong nước. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mua sắm công trong TPP, EVFTA: “Cuộc chơi” sòng phẳng theo luật quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.