Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mập mờ tên gọi, nhập nhèm chất lượng

Thu Trang| 25/07/2016 07:36

(HNM) - Trên thị trường hiện có tới hàng trăm loại nước mắm khác nhau được bày bán. Thế nhưng, vì nhiều lý do, người tiêu dùng không dễ nhận biết đâu là nước mắm truyền thống, đâu là nước chấm có sử dụng hương liệu và các chất phụ gia công nghiệp.


Vỏ một đằng, ruột một nẻo

Sau mỗi lần khám phá một vùng biển nào đó cùng gia đình, chị Nguyễn Thu Thủy (ở xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội) không quên mua về “món quà miền biển”, trong đó có những chai nước mắm. Thế nhưng, mới đây, khi mua một thùng nước mắm về nhà, chị thất vọng khi “vỏ một đằng, ruột một nẻo”. Bên ngoài thùng, dù đề rõ “mắm loại đặc biệt được làm từ cá thu với độ đạm cao đến 60” nhưng khi ăn, cả màu sắc lẫn mùi vị đều khác xa những dòng quảng cáo ghi trên nhãn mác. “Bằng cảm quan, thật khó để chọn được loại nước mắm có chất lượng. Lúc mới dùng thì màu sắc, độ trong, mùi vị có vẻ... là nước mắm, nhưng dùng chưa hết chai thì nước cứ đục dần, màu cũng đen dần, mùi vị cũng chẳng còn nữa. Người tiêu dùng đang bị móc túi vì chất lượng hàng hóa không như công bố”, chị Nguyễn Thu Thủy nói.


Sản phẩm nước mắm không thể thiếu trong bữa ăn của các gia đình người Việt. Tuy nhiên, bà Đặng Thị Thìn (ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, rất ít người có thể phân biệt được nước mắm pha chế công nghiệp với sản phẩm được sản xuất theo cách truyền thống, lý do là tại các chương trình quảng cáo cũng như trên bao bì sản phẩm hầu như không ghi (nói) rõ về điều này. Trên thực tế, dù sản phẩm có giá bán phổ biến từ 15.000 đến 30.000 đồng/chai nhưng nhiều nhà sản xuất đã không ngần ngại ghi trên nhãn mác là nước mắm cá cơm, nước mắm cá chim... với lời quảng cáo “có cánh” như: Độ đạm cao, công thức cổ truyền, đoạt huy chương vàng về tiêu chuẩn chất lượng.

Đại diện một doanh nghiệp phân phối nước mắm Cát Hải tại Hà Nội cho rằng, để có được thứ nước mắm truyền thống thơm ngon, nguyên liệu phải là cá và muối, quy trình sản xuất phải qua ngâm, ủ... từ 10 tháng đến 1 năm. Một lít nước mắm làm từ cá chim thì không thể có giá bán vài chục nghìn đồng, đơn giản bởi để làm ra một lít sản phẩm phải cần đến mấy cân cá chim nguyên liệu, mà giá thu mua thì không hề rẻ. Thậm chí, để làm ra loại nước mắm đạt tiêu chuẩn 30-40 độ đạm thường phải mua muối trước một năm. Chẳng hạn như nước mắm sản xuất năm 2015 thì phải mua muối từ năm 2013, để qua năm 2014 cho magiê, mùi hăng ở muối bay hết rồi mới đem ủ với cá. Công sức bỏ ra quá lớn, làm sao có thể bán với giá quá rẻ được. Trong khi đó, với nước mắm công nghiệp thì chỉ cần mua nước cốt từ các vựa mắm, sau đó pha chế. “Với 1 lít nước mắm truyền thống, người ta có thể pha chế được khoảng 5 lít nước mắm công nghiệp bằng cách cho thêm phụ gia, hương liệu, chất tạo màu, chất bảo quản... Chỉ trong một ngày là có thể làm ra hàng nghìn lít nên giá thành rất rẻ. Ở nhiều nơi, nước mắm công nghiệp được bán với giá chỉ từ 8.000 đồng/lít. Các quán cơm bình dân thường chọn loại này” - vị đại diện này cho biết.

Theo số liệu thống kê mới được công bố, 98% số hộ gia đình sử dụng nước mắm trong các bữa ăn. Mỗi năm, cả nước tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm nhưng có đến 75% trong số này là nước mắm pha chế công nghiệp chứ không phải là nước mắm truyền thống. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, quy chuẩn nước mắm được xây dựng năm 2012 chỉ áp dụng đối với sản phẩm được sản xuất bằng phương pháp lên men truyền thống từ cá và muối. Có loại nước mắm không có chút cá nào mà chỉ có hương cá, vị cá, hoàn toàn không phải là nước mắm truyền thống. Người tiêu dùng dựa vào độ đạm để đánh giá chất lượng sản phẩm là điều sai lầm bởi nhà sản xuất nước mắm công nghiệp có rất nhiều cách để tăng độ đạm.

Chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng

Có vẻ như vấn đề an toàn thực phẩm liên quan tới sản phẩm nước mắm chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đầy đủ, có thể do từ trước tới nay chưa có vụ ngộ độc do nước mắm; giá trị của một chai nước mắm không lớn, chỉ 15.000-30.000 đồng/chai, nếu lỡ mua phải hàng rởm thì người dân cũng “cho qua”.

Theo Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính, cần phải công bố rõ ràng về chất lượng nước mắm và nước chấm. Những sản phẩm không được sản xuất từ cá và muối theo quy trình truyền thống mà chỉ được pha chế từ hương liệu, hóa chất tạo vị và nước thì không được gọi là nước mắm, mà chỉ nên đặt tên là nước chấm để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Hơn nữa, nhiều loại phụ gia, hóa chất được sử dụng trong sản phẩm nước chấm cũng khiến người tiêu dùng e ngại. Do vậy, ông Đặng Văn Chính khuyến cáo, người tiêu dùng cần lựa chọn những sản phẩm được cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, có xuất xứ, nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng… Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Thanh tra Bộ Y tế vừa lên kế hoạch phối hợp cùng Cục An toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố tiến hành thanh tra toàn bộ thị trường nước mắm, nước chấm đóng chai. Mục tiêu của đợt thanh, kiểm tra này là làm rõ ý kiến phản ánh của người tiêu dùng về tình trạng “mập mờ” về tên gọi, nhãn mác, chất lượng của nước mắm, nước chấm.

Trước sự “nhập nhèm” về chất lượng nước mắm hiện nay, người tiêu dùng cả nước đang mong chờ kết quả tích cực từ đợt thanh tra đặc biệt đối với mặt hàng thiết thực trong bữa ăn hằng ngày của hàng chục triệu gia đình Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mập mờ tên gọi, nhập nhèm chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.