Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp

Việt Tuấn| 13/08/2016 07:09

(HNM) - Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, kêu gọi đầu tư hệ thống xử lý và vận hành nhằm quyết tâm đến năm 2020, đạt mục tiêu 100% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung... - Đây là kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tại phiên họp, sáng 12-8, về

Trạm xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín).


Đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Hà Nội có 43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định. Trong đó, 9 cụm đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chỉ có 4 cụm xử lý nước thải tốt; 15 cụm đã được đầu tư theo "Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2014-2015". Số cụm công nghiệp còn lại do không có nước thải, hoặc nước thải quá ít nên chưa phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Theo Sở Công Thương, tiến độ triển khai "Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2014-2015" chậm so với lộ trình. Nguyên nhân là thiếu quỹ đất, việc bổ sung quy hoạch phải xin ý kiến nhiều ngành liên quan dẫn đến thời gian kéo dài; năng lực các đơn vị tư vấn để lập hồ sơ dự án còn hạn chế... Đặc biệt, một số dự án do UBND các quận, huyện làm chủ đầu tư, khó khăn trong bố trí vốn đối ứng nên triển khai chậm.

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Văn Tứ cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đề ra mục tiêu đến năm 2020, 100% cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung và HĐND thành phố đã cụ thể hóa trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, phải quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện thì mới có thể hoàn thành. Thực tế, một số cụm công nghiệp được nâng lên từ điểm công nghiệp - không có quy hoạch hệ thống xử lý nước thải tập trung nên thiếu quỹ đất.

Ông Nguyễn Văn Tứ đề xuất: Đối với các cụm công nghiệp có lượng nước thải ít thì yêu cầu doanh nghiệp không mở rộng ngành nghề sản xuất mới có xả thải; còn lượng thải cũ, cần xử lý cục bộ và thành phố có hỗ trợ. Mức hỗ trợ chung của thành phố trong việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên từ 35% đến 45% mức đầu tư. Sau đầu tư, nên giao cho doanh nghiệp quản lý, vận hành.

Kêu gọi xã hội hóa xây mới tại 19 cụm

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Lê Vinh cho rằng, thành phố cần xác định các cụm công nghiệp có xả thải tồn tại lâu dài để có hướng đầu tư, tránh lãng phí. Cùng với đó, thành phố phải quyết liệt yêu cầu doanh nghiệp xử lý trước khi xả thải, thành phố chỉ xử lý khu tập trung bên ngoài; nếu không tuân thủ sẽ có biện pháp xử lý như ngừng sản xuất, đóng cửa doanh nghiệp. Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cũng nêu quan điểm, thành phố nên đầu tư theo hướng xã hội hóa và giao cho một đầu mối quản lý, vận hành, không nên giao cho các địa phương đảm nhận vì kém hiệu quả.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung kết luận: Thành phố sẽ giao cho Sở Xây dựng quản lý nhà nước về lĩnh vực này; đồng thời, sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải tại 19 cụm công nghiệp và giao cho doanh nghiệp quản lý, vận hành. Theo đó, nhà đầu tư tính toán giá thành; thành phố sẽ có cơ chế yêu cầu các doanh nghiệp xả thải đóng phí.

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính xây dựng đề án tính đơn giá, tiến tới áp dụng thu phí nước thải cả của người dân và doanh nghiệp; giao Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách khối thành lập đoàn, tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các cụm công nghiệp về tình hình sản xuất, xả thải, quỹ đất... từ đó lên phương án xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. "Phải coi trọng công tác bảo vệ môi trường, nếu không mức tăng trưởng 7%/năm của thành phố tính ra vẫn âm, bởi phải xử lý môi trường" - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.