Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ

Thanh Hương| 31/08/2016 13:59

(HNMO) - Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 ước tính tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 8 tháng tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 9,8% của cùng kỳ năm 2015.


Số liệu trên vừa được Tổng Cục thống kê công bố. Chỉ số công nghiệp không tăng mạnh chủ yếu do ngành khai khoáng vẫn tiếp tục suy giảm (so với cùng kỳ năm 2015, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng 4 tháng giảm 0,5%; 5 tháng giảm 1,4%; 6 tháng giảm 2,6%; 7 tháng giảm 3,6%; 8 tháng giảm 3,8%); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hơn cùng kỳ.

Tháng 8, chỉ số công nghiệp tăng 7,3% (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại tăng 16,9%; dệt tăng 15,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 14,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 13,1%.

Ngược lại, một số ngành tăng thấp, hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 5,4%; sản xuất thuốc lá tăng 4,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 3,1% (do xuất khẩu giày da sang châu Âu gặp khó khăn); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 2,6%; khai khoáng khác tăng 2,3%; khai thác than cứng và than non tăng 1,9%; khai thác dầu khô và khí đốt tự nhiên giảm 5,5%.

Những địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ là Quảng Nam (tăng 32,2%), Thái Nguyên (tăng 31,1%); Hải Phòng tăng 16,3%, Đà Nẵng (tăng 11,5%), Cần Thơ (tăng 11,4%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Dương, TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh tăng  5,6%-8,9%.

Theo Tổng Cục thống kê, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7 tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, chỉ số tiêu thụ tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 13,3%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/8 tăng 8,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2015 tăng 10,1%). Trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm như: Dệt tăng 8,6%; sản xuất kim loại tăng 4,5%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 4,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 4,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 4,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 12,3%; sản xuất thiết bị điện giảm 18,4%; sản xuất thuốc lá giảm 25,4%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 50%.

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung. Đó là: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (tăng 130%), sản xuất xe có động cơ (tăng 30,9%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 26,4%), sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 24,4%), sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (tăng 20,7%).

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 7 tháng năm 2016 là 69,1%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (130,8%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (113,4%); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (105,7%); sản xuất chế biến thực phẩm (91,1%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.